Bến Tre khởi công cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường ven biển
(DNTO) - Sáng 2/10, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức lễ khởi công cầu Ba Lai 8 thuộc dự án đường ven biển. Dự án được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, có tổng chiều dài khoảng 53km, kết nối ba tỉnh Bến Tre - Tiền Giang - Trà Vinh.
Dự án Cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường bộ ven biển là một trong những công trình trọng điểm của địa phương. Dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối giao thông liên vùng, tạo lợi thế phát triển, giao thương kinh tế đối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; tạo bước phát triển đột phá về kinh tế – xã hội cho tỉnh Bến Tre. Sau quá trình chuẩn bị thực hiện, đến nay, Dự án hoàn thành đầy đủ cơ sở pháp lý và điều kiện để tiến hành khởi công.
Tại lễ khởi công, ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá cao Bến Tre đã đi đầu trong việc xây dựng tuyến đường ven biển, mở ra không gian kết nối giao thông vùng. Đây là con đường tạo ra sự bứt phá cho Bến Tre và cả nước, kết nối Bến Tre và các tỉnh ĐBSCL, phá bỏ thế cô lập, thay đổi diện mạo miền Tây. Đối với Bến Tre, con đường này có thể lấn biển 50ha, mở ra cơ hội nâng cao đời sống vật chất cho người dân; mở ra tiềm lực phát triển kinh tế xanh.
Đồng thời, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị các Bộ, Ngành Trung ương tiếp tục đồng hành hỗ trợ Bến Tre trong quá trình triển khai dự án. Đối với lãnh đạo Bến Tre quyết liệt hoàn thành giải phóng mặt bằng, thường xuyên kiểm tra giám sát, "chỉ có bàn làm, không có bàn lùi"; động viên nhân dân chờ đợi. Chăm lo giữ gìn trật tự an toàn xã hội, nhất là không để xảy ra tiêu cực liên quan đến dự án, đền bù, chỉ đạo điều hành... đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, mỹ quan.
Dự án Cầu Ba Lai 8 với tổng mức đầu tư 2.255 tỷ đồng được đầu tư xây dựng trong giai đoạn trung hạn 2021-2025, từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương đối ứng.
Việc xây dựng Cầu Ba Lai 8 và tuyến đường bộ ven biển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Bến Tre nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung. Tạo kết nối giao thông liên vùng, trục giao thông huyết mạch ven biển, kết nối Bến Tre với các tỉnh lân cận và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối giao thông liên hoàn từ Thành phố Hồ Chí Minh – Long An – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng – Bạc Liêu. Điều này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân của các tỉnh Tây Nam Bộ nói chung và các tỉnh ven biển phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, trong đó có tỉnh Bến Tre.
Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, hiện đại hóa hệ thống giao thông của tỉnh, kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông khu vực và quốc gia; đồng thời mở ra không gian phát triển cho khu vực phía Đông tỉnh Bến Tre, là điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như công nghiệp; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản theo hướng công nghệ cao; kinh tế hàng hải (vận tải biển); dịch vụ và du lịch; phát triển khu, cụm công nghiệp,..
Từ đó xây dựng các đô thị xanh, thông minh, bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học,các hệ sinh thái biển; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có dự án đi qua, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XI và những năm tiếp theo.
Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch tỉnh Bến Tre cho biết, cùng với quyết tâm, nỗ lực hết mình của địa phương, tỉnh mong muốn tiếp tục được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ để tỉnh sớm hoàn thành Cầu Ba Lai 8 cũng như thực hiện toàn tuyến Dự án tuyến đường bộ ven biển đạt chuẩn quy hoạch của quốc gia.
"Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thay mặt lãnh đạo và Nhân dân tỉnh Bến Tre, Tôi xin hứa sẽ theo dõi, sát sao, chỉ đạo các ngành, các cấp quyết liệt, huy động mọi nguồn lực để dự án được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả; sẽ quyết tâm thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, không để xảy ra trường hợp công trình chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng hoặc tái lấn chiếm mặt bằng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công trình sớm được triển khai hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân bị ảnh hưởng, đồng thời tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân", ông Tam khẳng định.