Bất động sản nghỉ dưỡng 2024: Giao dịch dự kiến tăng 30%, chờ cú hích đủ mạnh từ du lịch để tan băng
(DNTO) - Để phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tan băng và "lăn bánh" trong năm 2024, giới chuyên gia cho rằng, việc thực hiện hiệu quả Nghị định 10 và tận dụng đà tăng trưởng nhu cầu du lịch là mấu chốt quan trọng giúp lấy lại niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư.
Báo cáo mới đây từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong năm 2023, cả nước có khoảng 3.165 sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng mới chào bán, giảm hơn 80% so với năm 2022. Nguồn cung mới tập trung ở các tỉnh Quảng Ninh, Phú Quốc, Đà Nẵng… Trong đó chủ yếu đến từ khu vực miền Trung với hơn 1.200 sản phẩm, tương đương khoảng 38% lượng cung toàn thị trường.
Toàn thị trường ghi nhận 726 sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng được giao dịch thành công trong năm 2023, giảm 93,5% so với năm 2022. Giá bán bất động sản nghỉ dưỡng giảm 50% trên thị trường thứ cấp, song vẫn khó khăn thanh khoản. Nhất là các sản phẩm biệt thự, shophouse nghỉ dưỡng giá trị cao trên 10 tỷ đồng. Mức giá sơ cấp tăng nhẹ so với các giai đoạn chào bán trước đó do các dự án đã gần hoàn thiện và đang được tập trung nhiều hạ tầng, tiện ích, dịch vụ. Sản phẩm căn hộ có dấu hiệu phục hồi tốt tại thời điểm cuối năm, ghi nhận mức tăng nhẹ khoảng 3-5%.
Tại Hội thảo về Phục hồi bất động sản hồi cuối tháng 12/2023, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels nhận định, tình trạng dư cung bất động sản nghỉ dưỡng bắt nguồn từ việc tạo ra những sản phẩm chưa phù hợp với thực tế thị trường. Một số chủ đầu tư vội vàng tham gia khi chưa có sự nghiên cứu thấu đáo, dẫn đến tình trạng chênh lệch cung – cầu tại nhiều khu vực. Bên cạnh đó, một số dự án nghỉ dưỡng còn xuất hiện tình trạng chú trọng số lượng hơn chất lượng.
Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh ảm đạm, nhiều dự án cũ đang bị chậm tiến độ, thi công cầm chừng, gây ảnh hưởng tới niềm tin thị trường. Dù lãi suất ngân hàng đã giảm, nhưng số người sẵn sàng vay tiền để đầu tư không nhiều, tư tưởng "phòng thủ" vẫn chiếm đa số. Do đó, từ quý IV/2023 đến quý II/2024, thanh khoản thị trường sẽ khó có sự đột biến. Sau mốc thời gian này, thị trường sẽ cải thiện hơn nhờ những động thái tháo gỡ vướng mắc pháp lý của Nhà nước thông qua các bộ luật sửa đổi", ông Mauro Gasparotti nhận định.
Cần tận dụng đà tăng trưởng nhu cầu du lịch trong năm 2024
Chia sẻ ở Diễn đàn Thị trường bất động sản 2024, mới đây, các chuyên gia cho biết, mặc dù hoạt động kinh doanh khách sạn vẫn còn gặp nhiều thách thức và làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi lực cầu ở một số địa phương. Tuy nhiên nhiều giải pháp nhằm mục đích giữ chân, thu hút khách du lịch được áp dụng đi kèm với tín hiệu tích cực về nguồn cầu trong những tháng cuối năm cùng các chính sách thị thực mới được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng năm 2024.
Bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn Xúc tiến đầu tư VARS nhận định, năm 2024 hậu thuẫn từ cơ hội phục hồi cũng như phát triển của ngành du lịch bao gồm chính sách nới lỏng visa tiếp tục phát huy tác dụng cùng với chính sách giảm thuế 2% đối với nhóm hàng hóa dịch vụ và nhiều chương trình xúc tiến hỗ trợ, triển lãm du lịch được tổ chức cũng sẽ là động lực để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, bơm nguồn cung vào thị trường...
"Nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội được cải thiện với khoảng 20% so với năm 2023. Dự báo phân khúc căn hộ biển chiếm ít nhất 60% thị phần sẽ là điểm nhấn của bất động sản nghỉ dưỡng năm 2024, do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền", lãnh đạo VARS cho hay.
Về giá cả, năm 2024 khả năng trên thị trường sơ cấp và thứ cấp đều có xu hướng cải thiện nhẹ. Tại thị trường thứ cấp, giá bán sản phẩm căn hộ du lịch có mức giá xung quanh 50 triệu đồng/m2 sẽ tiếp tục đi ngang, thậm chí tăng nhẹ tại một số thị trường có tỷ lệ lấp đầy phòng cao. Tuy nhiên, cùng với giá bán, phương án về quản lý vận hành sẽ là điểm mấu chốt, đặc biệt được khách hàng/nhà đầu tư quan tâm khi xuống tiền.
“Giao dịch thị trường này có xu hướng tăng nhưng là trong dài hạn. Dự kiến lượng giao dịch sẽ tăng khoảng 30% so với năm 2023 và sẽ đạt kết quả ấn tượng nếu như nhận được cú huých đủ mạnh từ ngành du lịch”, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn Xúc tiến đầu tư VARS nêu.
Nhiều kỳ vọng để tan băng khi theo Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 12/2023 đạt gần 1,4 triệu lượng, so với tháng trước tăng 11,2% và so với cùng kỳ năm 2023 tăng 93,9%. Tính chung cả năm 2023, du lịch Việt Nam đón nhận hơn 12,6 triệu lượt khách quốc tế. Con số này gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách.
Đáng chú ý mới đây, chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc cùng các chính sách thu hút khách du lịch như là khách du lịch Trung Quốc, các kết quả ngoại giao xuất sắc khác ở thời điểm cuối năm 2023 sẽ là tín hiệu đẩy lực cầu lên cao hơn.
Đặc biệt liên quan đất đai, Nghị định 10/2023/NĐ-CP ngày 03/4/2023 trong việc tháo gỡ cho việc cấp sổ hồng đối với các loại hình bất động sản căn hộ nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp nghỉ dưỡng,... trong thời gian tới sẽ có độ ngấm nhất định, tạo hy vọng cho chủ đầu tư cũng như nhà đầu tư, hỗ trợ sự bứt phá trở lại của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới.
"Bệ phóng đầu tư công cùng với quy hoạch của gần 40 tỉnh, thành đã được Chính phủ phê duyệt, dự báo tiếp tục được phê duyệt ở 63 tỉnh/thành trong năm 2024 sẽ "cởi trói' cho nhiều dự án vướng mắc ở nội dung này. Tuy nhiên, cần chính sách phát triển một cách đồng bộ các ngành nghề, lĩnh vực liên quan như là du lịch, dịch vụ, để thị trường phát triển sâu về chất. Đây chính là mấu chốt quan trọng giúp lấy lại niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng", các chuyên gia nhấn mạnh.