Bất động sản du lịch nông nghiệp Việt Nam: Thiếu cả khung pháp lý, cơ chế lẫn cách định hình
(DNTO) - Theo chuyên gia, khi hoàn thiện, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản…, cần bổ sung một số điều tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho bất động sản du lịch nông nghiệp vận hành, phát triển thông suốt, đồng bộ, lành mạnh, sau đó cụ thể hóa hơn bằng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành.
Chia sẻ tại sự kiện Hội nghị Giải pháp phát triển và Xúc tiến đầu tư: Bất động sản Du lịch Nông Nghiệp Việt Nam, chiều 25/5, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, nhận định những loại hình bất động sản du lịch nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển một cách tự phát, nhỏ lẻ, thiếu chiến lược quy củ, thiếu bài bản, chuyên nghiệp như các phân khúc bất động sản khác, dẫn đến phân khúc này chưa thể bứt phá.
Phân tích cụ thể, ông Tuyến cho hay: Loại hình du lịch nông nghiệp được quy định trong Luật Du lịch năm 2017 còn khá mờ nhạt, chưa có chiến lược tổng thể, dài hạn, thiếu cơ chế, chính sách về ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp,…
Bên cạnh đó, đất du lịch, nông nghiệp chưa được định danh chính thức trong Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể, tại Điều 3 của luật này không đưa ra giải thích hiểu như thế nào là đất du lịch nông nghiệp. Điều 10 về phân loại đất cũng không quy định đất du lịch nông nghiệp được xếp vào nhóm đất nào, theo tiêu chí phân loại đất của Luật là căn cứ vào mục đích sử dụng đất, theo đó, loại đất này được xếp vào nhóm đất nông nghiệp hay nhóm đất phi nông nghiệp.
“Chính vì không định danh, giải mã khái niệm đất du lịch nông nghiệp nên pháp luật đất đai hiện hành cũng chưa quy định cụ thể về việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, từ đất nông nghiệp sang đất du lịch nông nghiệp. Vậy đất du lịch nông nghiệp thuộc nhóm đất nông nghiệp hay nhóm đất phi nông nghiệp (loại đất thương mại, dịch vụ). Pháp luật đất đai hiện hành vẫn chưa có lời giải cho câu hỏi này”, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến đặt vấn đề.
Để thúc đẩy bất động sản du lịch nông nghiệp phát triển, khi hoàn thiện, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản… cần bổ sung một số điều tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho bất động sản du lịch nông nghiệp vận hành, phát triển thông suốt, đồng bộ, lành mạnh, sau đó cụ thể hóa hơn bằng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành.
Chẳng hạn, Luật Kinh doanh bất động sản cần bổ sung đối tượng, điều kiện, phạm vi được kinh doanh loại hình bất động sản này là ai, chủ sử dụng đất là nông dân, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hay tổ chức kinh tế trong nước, nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể được tham gia?
Ngoài ra, cần tạo ra “sân chơi”, “luật chơi” minh bạch cho mọi thành phần kinh tế để đảm bảo quyền tự do kinh doanh trong phân khúc này để khuyến khích đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp mới, kích thích nguồn lực...
"Nhà nước cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý về phân khúc thị trường bất động sản du lịch nông nghiệp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cần gấp rút bổ sung một mục về phân khúc kinh doanh bất động sản du lịch nông nghiệp. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Du lịch năm 2017 liên quan đến loại hình du lịch nông nghiệp", ông Tuyến đề xuất.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất rằng, trước mắt để tạo "đường băng" cho bất động sản du lịch nông nghiệp cất cánh, cơ quan chức năng cần đưa ra các chính sách về mô hình thí điểm dạng “sandbox”, chọn một số mô hình nổi bật, có hiệu quả để hỗ trợ thúc đẩy phát triển, qua đó sẽ có những đánh giá tổng thể và đề ra khung pháp lý phù hợp cho phân khúc này.
Gần đây nhất, ngày 18/5, Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP 2023 về nhiệm vụ, giải pháp phục hồi phát triển du lịch. Phải dựa trên năng lực cốt lõi để tạo ra các sản phẩm du lịch mới và độc đáo, khác biệt và mang tính cạnh tranh cao. Một trong những "điểm nghẽn" mà Nghị quyết 82 xác định cần phải tháo gỡ để cho du lịch phát triển đó là hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư, phát triển du lịch cần có những đột phá hơn, cùng với đó là chiến lược thị trường, chính sách xúc tiến du lịch phải nhanh chóng "chuyển mình" trước những biến động của du lịch thế giới và khu vực.