Bất chấp nhiều lực cản, tiền vẫn chạy vào chứng khoán
(DNTO) - Sau một thời gian tạm lắng, dòng tiền bất ngờ lại đổ về thị trường, giúp VN-Index lại vượt qua ngưỡng cứng 1.500 điểm trong bối cảnh đang thiếu vắng nhiều thông tin hỗ trợ. "Thận trọng" là điều được nhiều chuyên gia dành các nhà đầu tư chứng khoán giai đoạn này.
Cụ thể, trên sàn HoSE hôm nay, giá trị thanh khoản đạt hơn 28 ngàn tỷ đồng, đây là con số cao nhất trong hơn một tuần qua, thậm chí ngày 16/3, con số này chỉ còn 18 ngàn tỷ đồng. Nhiều mã có sự tăng trưởng tốt, tập trung ở nhóm bất động sản và ngân hàng, góp phần đưa VN-Index tăng hơn 8 điểm, dễ dàng vượt qua mốc 1.500 điểm sau một thời gian gian dài chật vật chạy theo ngưỡng này.
Dòng tiền cũng thể hiện sự linh hoạt và nhanh nhạy khi liên tục xoay quanh các nhóm ngành để tìm kiếm cơ hội chứ không tập trung ở nhóm vốn hóa hơn.
Sự quay trở lại của dòng tiền sau một thời gian nghe ngóng chờ đợi đang cho thấy những dấu hiệu tích cực của thị trường chứng khoán. Trong bối cảnh những diễn biến khó lường từ căng thẳng Nga - Ukraine gia tăng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,25% chưa đầy một tuần, đặc biệt ngân hàng trung ương các nước lớn đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất, chiến lược nhà đầu tư chứng khoán cần có sự thay đổi.
Phát biểu trong talkshow về thị trường chứng khoán diễn ra ngày 22/3, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, có hai điều nhà đầu tư cần lưu ý:
Thứ nhất, nhà đầu tư cần quan tâm đến vấn đề lạm phát trong bối cảnh hiện nay khi giá xăng dầu tăng cao. Đặc biệt cần nghe ngóng các bài phát biểu, các thông tin từ tình hình chiến sự Nga - Ukraine, một yếu tố tác động "ghê gớm" đến thị trường.
Thứ hai, vấn đề lãi suất trong nước cũng cần được để mắt tới, tuy nhiên nhà đầu tư lại không quá lo lắng. Điều nhà đầu tư cần quan sát là tình hình lãi suất từ bên ngoài, Fed và các ngân hàng trung ương, sẽ tác động như thế nào đến tình hình kinh tế và thị trường chứng khoán.
"Khi tôi soi vào tổng dư nợ của các doanh nghiệp, gồm cả gốc và lãi, tôi bất ngờ khi lên tới 110 tỷ đô la Mỹ. Hơn 70 % trong số đó lại thuộc về các doanh nghiệp FDI. Nếu lãi suất tăng lên thì khả năng trả nợ của các doanh FDI sẽ khó khăn hơn. Lợi nhuận doanh nghiệp sẽ bị bào mòn khi chi phí đầu vào tăng cao, chưa kể nhiều doanh nghiệp bị nhà nước khống chế giá đầu ra, nên biên lợi nhuận một số ngành nghề sẽ không được như hai năm vừa qua", ông Cấn Văn Lực cho biết.
Trong khi đó, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích của VNDirect cho biết thêm, trong giai đoạn hiện nay, chính sách tiền tệ với lãi suất thấp đang vào giai đoạn cuối, nhà đầu tư cần tận dụng cơ hội tái cơ cấu danh mục, nâng cao độ an toàn cho danh mục, tìm về các cổ phiếu phòng thủ nhiều hơn. "Không bi quan và cần có sự chuẩn bị", bà Hiền nhấn mạnh.
Báo cáo từ Chứng khoán VCBS khuyến nghị, nhà đầu tư không nên vội vàng giải ngân trong giai đoạn này do xu hướng phục hồi vẫn chưa thực sự rõ ràng. Theo VCBS, "nhà đầu tư nên chủ động giảm tỷ trọng cổ phiếu, ưu tiên nắm giữ tiền và chờ đợi cơ hội, quan sát những diễn biến tiếp theo từ kinh tế vĩ mô thế giới cũng như trong nước để đưa ra quyết định giải ngân cho danh mục ngắn và trung hạn".