Bán cà phê cho người giàu
(DNTO) - Cà phê đặc sản với giá đắt gấp 3 lần cà phê thông thường, đang trở thành con “át chủ bài” của nhiều doanh nghiệp trong ngành, để tiếp cận với giới sành cà phê, thay vì các loại cà phê thương mại như trước.
Thị trường ngách đặc biệt
Thuật ngữ specialty coffee dùng để chỉ cà phê đặc sản, loại cà phê “đặc biệt” từ cách trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch cho đến cả quy trình chế biến và pha chế.
Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới (SCA) và Viện Chất lượng Cà phê thế giới (CQI) đã đưa ra một Khung tiêu chuẩn với thang điểm 100 để đánh giá cà phê đặc sản. Theo đó, một loại cà phê nếu đạt từ 80 điểm trở lên sẽ được công nhận là specialty coffee.
Nếu so sánh về quy mô, cà phê đặc sản không thể so sánh với cà phê thương mại vì chỉ chiếm chưa tới 1% tổng sản lượng cà phê thế giới. Bởi cà phê đặc sản không chạy theo số lượng, mà chú trọng về chất lượng, vì thế, nó cũng không dễ dàng tìm được ở quán cà phê thông thường.
Nhưng cà phê đặc sản được xem là tinh hoa của ngành cà phê vì nó là kết tinh của cả một quá trình sản xuất nghiêm ngặt. Đó là lý do mà nhiều cường quốc cà phê trên thế giới hiện nay đều nỗ lực để phát triển specialty coffee.
Tại Brazil, năm 2022, Hiệp hội Cà phê nước này ghi nhận có tới 287 nhãn hiệu được công nhận là cà phê đặc sản, tăng 78% so với năm 2019, đồng nghĩa với việc đem đến cho cường quốc cà phê này hàng tỷ USD mỗi năm.
Ở Việt Nam, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột – thủ phủ cà phê trong nước, đã công nhận 25 mẫu cà phê đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản. Các doanh nghiệp trong ngành hiện coi cà phê đặc sản như một mũi nhọn để tiến ra thế giới.
Hyge Cà phê, thương hiệu cà phê Việt mỗi năm xuất khẩu hàng chục tấn sản phẩm tinh chế sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng kiên trì đeo đuổi con đường tạo ra cà phê đặc sản.
“Người tiêu dùng hiện nay sẵn sàng trả mức giá cao hơn, xứng đáng với chất lượng một sản phẩm. Khách hàng của chúng tôi là những nhà bán buôn có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, bản thân họ cũng tìm kiếm nhiều nhà cung ứng Việt Nam và họ chọn lựa nhà cung ứng có bản sắc riêng. Cà phê đặc sản Việt Nam lôi cuốn, thu hút họ và họ mong muốn hợp tác với chúng tôi để phát triển các sản phẩm như vậy”, bà Nguyễn Thị Hải Hà, Nhà sáng lập Hyge Cà phê cho biết.
Thay đổi từ gốc
Hiện giá 1kg hạt cà phê đặc sản đã rang dao động từ 35-65 USD (tương đương 800.000 - 1.500.000 đồng), có loại như Geisha Panama lên tới 1.000 USD/kg. Giá cao nhưng nguồn cung cà phê đặc sản trên thế giới vẫn thiếu.
Trong khi đó, Việt Nam sở hữu thủ phủ cà phê đặc sản Robusta đó là 5 tỉnh Tây Nguyên và cà phê đặc sản Arabica ở Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị; được đánh giá có nhiều tiềm năng cung ứng cà phê đặc sản cho thị trường toàn cầu.
Nhưng, quá trình thay đổi cà phê thương phẩm sang cà phê đặc sản, hướng tới việc phát triển bền vững cây cà phê cũng không dễ dàng. Ông Lê Thành Tâm, Phó Trưởng phòng Phát triển Nông nghiệp Bền vững, Công ty TNHH MTV Xuất Nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, cho biết công ty này đã phải mất 10 năm kiên trì để cùng người nông dân thay đổi tập quán sản xuất truyền thống sang sản xuất “xanh”.
Cụ thể, doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu và tổ chức tập huấn cho bà con nông dân. Kết hợp với các tổ chức phi chính phủ để phân tích mẫu đất, mẫu nước ở các vùng trồng và đưa ra khuyến cáo cho người sản xuất nên bón phân hữu cơ thay vì sử dụng phân vô cơ, tận dụng những phế phẩm để tạo thành phân bón.
“Ngày trước, khi đến vụ, các hộ trồng cà phê thường tập trung hái ồ ạt, thậm chí hái xanh, khiến chất lượng hạt cà phê chưa cao. Nhưng nay, khi biết giá trị cà phê, họ phân khu vực vườn, vườn nào chín trước thì hái trước, vườn nào chín sau thì hái sau. Chất lượng cà phê vì thế ngày càng tăng lên.
Hay thay vì sử dụng thuốc diệt cỏ, hiện người nông dân dùng máy để cắt cỏ để hạn chế dư lượng thuốc ngấm vào đất, sau đó tận dụng cỏ để vun gốc làm phân bón cho cây. Ngay cả việc tưới nước cũng thay đổi. Trước đây, người dân tưới ồ ạt nên rất lãng phí, đến lúc khô hạn lại thiếu nước. Hiện nay các hệ thống tưới nước tiết kiệm được lắp ngay tại vườn, người nông dân và thế hệ sau của họ đã tiếp cận kiến thức kĩ thuật để sản xuất tốt hơn”, ông Tâm cho hay.
Nhờ xây dựng vùng nguyên liệu bền vững lên tới 100 nghìn ha, trải dài 5 huyện thuộc tỉnh Đắk Lắk, mà mỗi năm, Công ty 2-9 xuất khẩu từ 100-120 nghìn tấn cà phê sang nhiều thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, trở thành doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân lớn nhất tỉnh này.
Xây dựng vùng nguyên liệu cũng là cách Hyge Cà phê đang thực hiện để đảm bảo nguồn nguyên liệu “sạch” cho các sản phẩm cà phê đặc sản của công ty. Bà Nguyễn Thị Hải Hà cho biết khi xây dựng vùng liên kết với hợp tác xã trồng cà phê, công ty đều phải thông qua đơn vị quản lý chất lượng sản phẩm, để tập huấn cho người nông dân từ khâu đầu tiên cho đến khâu cuối cùng, nhằm đảm bảo mọi quy trình sản xuất hạt cà phê đều đạt chuẩn.
“Chúng tôi cam kết thu mua toàn bộ và sẵn sàng thu mua với mức giá cao hơn mặt bằng chung của thị trường, từ 20-30% để đảm bảo quyền lợi của người nông dân”, bà Hà cho biết.
Thực tế, các cường quốc sản xuất, xuất khẩu cà phê trên thế giới hiện nay như Brazil, Indonesia, một số nước châu Phi…đang đẩy mạnh khai thác và truyền thông về cà phê đặc sản. Việt Nam có thế mạnh về các vùng trồng nhưng còn yếu ở khâu thu hoạch và chế biến. Tuy vậy, điểm yếu này hiện đang được nhìn nhận đúng đắn và được các địa phương, doanh nghiệp và người dân nỗ lực cải thiện.
Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 đặt mục tiêu nâng diện tích cà phê đặc sản lên 11.500 ha, chiếm khoảng 2% tổng diện tích cà phê; giai đoạn 2026 – 2030 là gần 19.000 ha, chiếm khoảng 3% diện tích cà phê Việt Nam. Nếu mục tiêu này được hoàn thành, tầm vóc của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới không chỉ được nâng cao về sản lượng, chất lượng mà còn cả giá trị.