Áp lực tăng trưởng thần tốc của F99

(DNTO) - Sau hơn một năm khởi nghiệp với một mô hình kinh doanh nền tảng, F99 – sàn giao dịch trái cây trực tuyến đang đối diện với áp lực việc tăng trưởng thần tốc để chiếm lĩnh thị trường.

Khởi nghiệp với mô hình kinh doanh nền tảng, F99 đang đối diện với việc tăng trưởng nhanh trước khi các đối thủ lấn sân. Ảnh: T.L.
Ra đời vào cuối năm 2019 với mong muốn đưa sản phẩm nông sản chất lượng đến tận tay người dùng thông qua hình thức mua sắm trực tuyến, F99 được xem là startup công nghệ khá thức thời khi ngay lập tức tận dụng “cơ hội vàng” để phát triển, ở thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam vào tháng 3/2020, thúc đẩy xu hướng mua hàng online tăng nhanh.
Dựa trên nền tảng công nghệ, F99 gắn kết trực tiếp người mua với người bán. Các sản phẩm được bán trên nền tảng của F99 bao gồm trái cây nhập khẩu và trái cây nội địa. Người mua dễ dàng lựa chọn các loại trái cây và được giao hàng tận nhà, đảm bảo rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, giá thành. Ngược lại, người nông dân có thể bán nông sản với mức giá cao hơn cách truyền thống nhờ lược bỏ các khâu trung gian.
Chưa đầy 1 năm hoạt động, tháng 8/2020, F99 đã được quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures, sáng lập bởi ông Dzung Nguyễn, “cá mập” quyền lực của chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 2, rót vốn với trị giá hơn 20 tỷ đồng. F99 cũng là startup công nghệ đầu tiên được Do Ventures “chọn mặt gửi vàng” kể từ khi quỹ này thành lập.
Việc khởi nghiệp với mô hình kinh doanh nền tảng, cùng sự vào cuộc của quỹ đầu tư khiến áp lực tăng trưởng của F99 nặng nề hơn bao giờ hết.
Ông Đỗ Đăng Dương, Giám đốc Khối F2B của F99, cho biết: “Chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng là mục tiêu cao nhất trong những việc đang làm. Yêu cầu của F99 là mỗi năm phải tăng trưởng hàng chục lần, ví dụ trong năm 2021, chúng tôi nhận mục tiêu tăng trưởng 40 lần so với năm trước”.

Việc nhận được 20 tỷ đồng từ Quỹ Do Ventures là bệ phóng để F99 có thể 'bung' nhanh và mạnh trên thị trường. Ảnh: T.L.
Đứng trước bài toán tăng trưởng thần tốc, F99 cho biết họ cũng phải có những bước đi mạnh mẽ hơn. “Là một công ty với văn hóa trẻ, startup với mô hình mới, F99 khuyến khích sự thử sai nhiều hơn an toàn, chúng tôi không muốn một mô hình cũ, cách làm cũ áp dụng cho F99. Tư duy mạo hiểm là điều chúng tôi cần ở các nhân viên, bởi tăng trưởng đi liền với mạo hiểm, nhân viên phải dám làm cái mới, dám thử cái mới và dám sai”, ông Đỗ Đăng Dương nhấn mạnh.
Nhờ sự táo bạo, quyết liệt trong cách làm việc, F99 đã có lợi nhuận dương và tăng trưởng nhanh chỉ sau hơn 1 năm thành lập. Đặc biệt thời điểm giữa năm 2020, có tháng, startup này tăng trưởng doanh thu gần 3.600% so với cùng kì năm trước.
Cũng chính ông Dzung Nguyễn đã chia sẻ lý do đầu tư vào F99 là bởi tin tưởng startup này sẽ đi đầu để tạo ra cuộc cách mạng về phân phối hoa quả và thực phẩm tươi sống tại Việt Nam, khi thị trường bán lẻ thực phẩm đầy tiềm năng nhưng lại khó áp dụng công nghệ để đổi mới.
Đại diện của F99 cũng chia sẻ, mục tiêu của startup này trong giai đoạn đầu tiên là tăng trưởng lượng người dùng, tiếp theo sẽ đẩy mạnh tăng giá trị cho người dùng. Thay vì tập trung truyền thông, quảng bá thương hiệu theo các phương pháp truyền thống, F99 chú trọng vào việc xây dựng, nâng cao giá trị xung quanh nền tảng của mình để thu hút người dùng, đồng thời tận dụng chính người dùng đó để thu hút những người dùng tiếp theo.
Do đó, với số tiền đầu tư nhận được từ quỹ Do Ventures, F99 sẽ sử dụng để tiếp tục phát triển nền tảng công nghệ, xây dựng chuỗi cung ứng lạnh để tăng khả năng bảo quản trái cây, đầu tư hệ thống phân phối nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng.