Amazon hợp tác với Grubhub trong dịch vụ giao hàng dạng ưu tiên
(DNTO) - Các thành viên Amazon Prime từ nay có thể được shipper miễn phí giao hàng các bữa ăn thông qua dịch vụ Grubhub như một phần của mối quan hệ hợp tác kinh doanh đang phát triển giữa hai tên tuổi này.
Trước tiên dịch vụ sẽ được diễn ra tại Hoa Kỳ và tiềm năng là sẽ lan rộng nhiều nơi khác tùy theo sự phát triển hợp tác giữa Amazon và Grubhub.
Theo thỏa thuận vừa được công bố gần đây, những người đăng ký trả phí của Amazon khi quyết định tiếp tục trở thành thành viên miễn phí một năm của Grubhub – khoảng 9,99 đô la một tháng cho những năm sau – sẽ nhận được giao hàng miễn phí không giới hạn khi họ đặt hạng đơn từ các nhà hàng được liệt kê trên dịch vụ.
Ở mức độ xa hơn, Amazon có thể trở thành một bên liên quan trong hoạt động kinh doanh của Grubhub. Cụ thể, ông lớn này có quyền chọn mua 2% cổ phần của Grubhub và có cả khả năng tùy chọn mua lại tới 15% nếu đáp ứng các điều kiện hoạt động kinh doanh nhất định.
Riêng với Amazon, mối dây ràng buộc vừa kể có tiềm năng mở rộng sức hấp dẫn của dịch vụ Prime mà các thành viên đang phải chịu giá đóng 139 đô la mỗi năm. Sở dĩ có cú bắt tay ấy là vì vào năm 2019, Amazon đã thông báo sẽ đóng cửa dịch vụ giao hàng tại nhà cho các thành viên Prime vốn đã tồn tại được một thời gian ngắn ở Mỹ.
Để biện minh cho sự thay đổi này, Ralph Schackart, nhà phân tích của William Blair cắt nghĩa, Amazon đã cố gắng xây dựng thị trường thực phẩm bên thứ ba riêng trong nhiều năm nhưng không đạt được nhiều thành công như mong đợi. Cú “bẻ lái” hiện tại được cho là nỗ lực tiếp cận đối tác tiềm năng để thiết lập lại quy trình cho đúng định hướng.
Nhân tiện Shackart cũng hé lộ, mai này Amazon có thể sẽ tìm cách mua lại các hoạt động của Grubhub bởi Just Eat Takeaway cho biết tiềm năng là họ sẽ tích cực xem xét việc bán một phần hoặc toàn bộ Grubhub. Trong thực tế, cổ phiếu của Just Eat Takeway.com đang giao dịch ở Amsterdam bấy lâu nay đã tăng khoảng 13%.
Bước đột phá mới nhất của đại gia Amazon vào lĩnh vực giao hàng thực phẩm diễn ra khi ngành dịch vụ này giờ phải đối mặt với những môi trường khắc nghiệt hơn. Nhu cầu đối với cơn sốt giao đồ ăn hình thành vì dịch bệnh nay đã giảm mạnh khi các hạn chế kinh doanh từng bị ảnh hưởng được nới lỏng và trước bối cảnh đã có nhiều người tiêu dùng tiếp tục siêng đi ăn ở ngoài như hồi tiền dịch.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu lao động và bối cảnh pháp lý ngày càng thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho kinh doanh cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực này trong những tháng gần đây.
Các động thái mới của Amazon đang được kỳ vọng là tiềm ẩn khả năng thúc đẩy lĩnh vực này thoát ra khỏi nút thắt mà các đối thủ của họ cũng đang cùng chịu ảnh hưởng. Gần đây nhất, cổ phiếu DoorDash đã giảm khoảng 8% lúc mới râm ran tin đồn và hạ mạnh khoảng 50% kể từ đầu năm. Còn cổ phiếu của UberEats cũng đã giảm khoảng 50% vào năm 2022 và “bay mất” 4% ngay trong tháng vừa qua.
Tuy nhiên, theo công bố mới nhất của Bloomberg, trong thực tế DoorDash vẫn thống trị việc giao bữa ăn tại Mỹ, với 59% thị phần so với 24% của Uber Eats và 13% của Grubhub.
Ngay từ rất sớm, khoảng năm 2004, thấy quá trình đặt món qua điện thoại quá nhiêu khê và phức tạp, hai chàng trai Matt Maloney và Mike Evans quyết định áp dụng kiến thức trong mua bán bất động sản online để thành lập dịch vụ đặt đồ ăn trực tuyến, khởi đầu ở Chicago mang tên Grubhub.
Thương hiệu này nhanh chóng tìm ra mô hình thu phí phù hợp, nghĩa là không phụ thuộc vốn đầu tư để phát triển, liên tục theo dõi và học hỏi đối thủ cũng như vận hành chiến thuật của riêng mình.
Thành quả đạt được của Grubhub là đã nhanh chóng có 10 triệu khách hàng với 300.000 đơn/ngày và có vệ tinh là 75.000 nhà hàng khắp 1.000 thành phố để dần độc chiếm thị trường giao đồ ăn.
Giờ đây đa số người Mỹ đã quen với việc bật ứng dụng Grubhub để gọi món, giúp tên tuổi này trở thành đối thủ đáng gờm của những Uber, Delivery.com, DoorDash, ChowNow, Zuppler, EatStreet hay Slice hoặc Olo