9.680 nhân viên y tế nghỉ việc: Y tế công kiệt sức hay an sinh xã hội có vấn đề?
(DNTO) - Con số 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc ở các bệnh viện công trong vòng 18 tháng qua trên cả nước được Bộ Y tế nêu ra trong Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 (18/9) được cho là làn sóng chuyển dịch việc làm ngành y từ khu vực công lập sang khu vực tư nhân.
Phải chăng đó là do sức hút mạnh mẽ từ khu vực y tế tư nhân hay hệ quả từ sự chậm trễ của các chính sách an sinh xã hội?
Bài 1: Thêm chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”
Trước thực trạng nguồn nhân lực y tế tại các bệnh viện công nghỉ việc và được cho là chuyển dịch sang các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là hơn 2 năm sau đại dịch Covid-19, nhiều nguyên nhân được đặt ra. Trong đó, sự mất cân bằng giữa áp lực công việc và cường độ làm việc cao, kéo dài của đội ngũ nhân viên ngành y nhưng mức thu nhập không tương xứng được Bộ Y tế và những nhà quản lý mang ra “mổ xẻ” nhiều nhất.
Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng), bác sĩ sau khi học 6 năm và thêm 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập là 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp BHXH, BHYT).
Mức thu nhập này bao năm vẫn vậy, tại sao đến giờ mới xảy ra làn sóng nghỉ việc của lực lượng y tế công? Tại sao đến giờ ngành y tế mới “nhận thức” rằng mức lương như thế là thấp?
Đại dịch Covid-19 dường như là một liều thuốc thử cho hệ thống an sinh toàn xã hội nói chung và của ngành y tế nói riêng. Khi những chiến sĩ áo trắng ngày đêm chiến đấu với đại dịch, phụ cấp chống dịch có người đến giờ vẫn chưa được nhận, nhưng đại án Việt Á nghìn tỷ diễn ra giữa tâm dịch ít nhiều gây ra một lý do để nghĩ về hai chữ “cống hiến” trong ngành.
Bên cạnh đó là thiếu điều kiện, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Ngành y giờ không thiếu những câu chuyện “dở khóc dở cười” như dao mổ cắt vài nhát mới đứt, chỉ khâu không đủ độ bền nên không dám siết chặt, hay thiết bị không đồng bộ “chiếc đực chiếc cái”… do kết quả của việc đấu thầu mua sắm… Đối với những người làm y tế tâm huyết thì đây là một nỗi đau mà nếu tình hình không thể thay đổi thì bản thân phải chọn giải pháp riêng.
Thêm vào đó là vấn đề kinh tế chung hiện nay. Xăng tăng, giá tiêu dùng tăng (tăng 2,89% so với cùng kỳ năm 2021), các loại sinh hoạt phí tăng... gây áp lực lên đội ngũ y tế, nhất là những người chủ yếu sống nhờ vào lương và các loại phụ cấp công việc.
Làn sóng nghỉ việc của nhân viên y tế sau dịch Covid-19 diễn ra trên khắp thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Ngoài sức lao động bền bỉ của lực lượng y tế tuyến đầu ngày đêm phòng chống dịch thì đằng sau đó là cảm xúc con người, là cơ chế, chính sách đặc thù, trang thiết bị kỹ thuật cho ngành y của nước ta. Sự chia tay của 9.680 nhân viên y tế trong hệ thống bệnh viện công phản ảnh sự chuyển mình quá chậm trễ.
Báo cáo tại hội nghị trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ diễn ra hôm 21/8, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Bộ Y tế đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011, trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%. Đề nghị Chính phủ sớm xem xét và ban hành nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản.
Thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế. Bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh, do thời gian học tập và thực hành kéo dài hơn so với các ngành nghề khác.
(Theo TTO)
Bài 2: Y tế tư nhân “dọn cỗ” đón nhân tài?