5 cơ hội cho trái cây Việt khi Mỹ tăng nhập khẩu
(DNTO) - Mỹ sẽ nhập khẩu 15 tỷ USD trái cây và tăng mức chi cho thực phẩm, khi nền kinh tế đang phục hồi rõ rệt. Trái cây Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tại thị trường này.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, thị trường Mỹ hiện có tới 332 triệu khách hàng với thu nhập đầu người cao và xu hướng ẩm thực ngày càng chú trọng thành phần rau, quả.
Năm 2020, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, giá trị nhập khẩu trái cây của Mỹ cao hơn năm 2019, lên tới 14,1 tỷ USD. Bước sang năm 2021, nhờ kiểm soát dịch bệnh và gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có, nền kinh tế Mỹ đang phục hồi rõ rệt và mức chi cho thực phẩm của người dân tăng cao.
Thống kê ngày 24/6 vừa qua, GDP quý I của nước này tăng tới 6,4% (trong khi mức trung bình trước đại dịch chỉ khoảng 3%). Với diễn biến này, Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính, năm 2021, giá trị nhập khẩu trái cây của nước này có thể lên tới 15,1 tỷ USD. Đây là cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam tăng sự hiện diện tại thị trường này.
Thứ hai, hệ thống phân phối tại Mỹ phát triển đa dạng, nhiều cấp, nhiều kênh, hiện đại, mở ra nhiều cơ hội tiêu thụ cho hàng hóa. Tại đây, hoa quả nhập khẩu được bán ở các chuỗi siêu thị lớn, các cửa hàng thực phẩm đơn lẻ tại các khu thương mại, hệ thống nhà hàng, khách sạn và các kênh bán hàng trực tuyến, giao tận nhà.
Bên cạnh đó, tính đa dạng và cởi mở trong văn hóa Mỹ khiến người tiêu dùng muốn trải nghiệm sản phẩm mới, mở ra cơ hội cho các hoa quả, đặc sản từ vùng nhiệt đới của Việt Nam. Thương vụ nhận định, ngoài yếu tố cung cầu, đây có lẽ là một phần lý do mà các loại trái cây nhập khẩu đáp ứng tới 2/3 nhu cầu của thị trường này.
Một yếu tố khác thúc đẩy trái cây Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào Mỹ, theo Thương vụ là vai trò quan trọng cộng đồng gần 3 triệu kiều bào, hơn 30 nghìn du học sinh và rất nhiều người Mỹ đã từng trải nghiệm, yêu mến đặc sản trái cây Việt Nam. Đặc biệt, nhiều doanh nhân người Việt tại đây rất tâm huyết với việc nhập khẩu, quảng bá trái cây Việt Nam tại Mỹ.
Cùng với những lợi thế khách quan trên, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã có kinh nghiệm xuất khẩu sang Mỹ. Đồng thời, sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan chính phủ như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương trong việc đàm phán mở cửa thị trường, quy hoạch vùng trồng, tạo thuận lợi, hỗ trợ kết nối bạn hàng sẽ thúc đẩy nông sản, trái cây Việt Nam tiếp tục thâm nhập thị trường này.
Đến nay, Việt Nam đã chính thức được cấp phép xuất khẩu 6 loại hoa quả tươi sang Mỹ gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, và vú sữa. Các hoa quả khác có thể được xuất khẩu ở dạng đông lạnh hoặc sản phẩm chế biến (đóng hộp, sấy khô). Các cơ quan Chính phủ cũng đang tích cực đàm phán để phía Mỹ cấp phép thêm cho hoa quả tươi của Việt Nam, trước mắt là trái bưởi da xanh.
Thời gian qua, xuất khẩu trái cây tươi và chế biến của Việt Nam vào thị trường Mỹ đã đạt kết quả khả quan. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 4 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu rau quả sang Mỹ đạt 57,4 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh những thuận lợi, theo Thương vụ, sản phẩm trái cây của Việt Nam nếu xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại được trồng ngày càng nhiều tại các bang như Florida, California, hay tại Mexico và các nước Nam Mỹ có điều kiện tự nhiên gần giống Việt Nam, cũng như sản phẩm của các nước châu Á khác.
Ngoài ra, do khoảng cách địa lý, chi phí vận chuyển, bảo quản cao. Hoa quả tươi có mùa vụ ngắn cũng đòi hỏi các khâu trong chuỗi phân phối phải rất nhịp nhàng, hiệu quả.