40 năm trỗi dậy xuất khẩu của Trung Quốc
(DNTO) - Hôm nay, 1/7 khi Trung Quốc kỷ niệm 100 thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc thì vài ngày trước, một tờ báo của Mỹ đã tổng hợp các số liệu để giải thích vì sao Trung Quốc có được sức mạnh qua 40 năm vươn lên thành quốc gia số 1 thế giới về xuất khẩu.
Trung Quốc có GDP cao thứ hai trên thế giới, và nước này xuất khẩu 15% tổng số hàng hóa của thế giới. Nhưng làm thế nào Trung Quốc làm được điều này?
Chỉ 40 năm trước, Trung Quốc chỉ chiếm chưa đến 1% xuất khẩu toàn cầu, và vẫn đang trong giai đoạn sơ khai của quá trình xây dựng nền kinh tế. Biểu đồ từ UNCTAD cho thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc lên vị trí thống trị thương mại toàn cầu theo thời gian.
Những năm 1970
Bắt đầu từ cuối những năm 1970, thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc chỉ ở mức dưới 1%. Đất nước này có ít trung tâm thương mại và ít ngành công nghiệp. Ví dụ, vào năm 1979, Thâm Quyến là một thành phố chỉ có khoảng 30.000 dân.
Trong thời gian này, Trung Quốc (không tính gộp cho Đài Loan và Hồng Kông), thậm chí không có mặt trong 10 nước xuất khẩu hàng đầu toàn cầu cho đến năm 1997, khi đạt 3,3% thị phần xuất khẩu toàn thế giới.
Tỷ trọng hàng năm trong xếp hạng xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc
(Dữ liệu trên từ Liên hợp quốc, tổ chức này liệt kê Đài Loan là một khu vực riêng biệt của Trung Quốc vì lý do chính trị).
Những năm 1980
Trong những năm 1980, một số thành phố và khu vực, như Đồng bằng sông Châu Giang, được chỉ định là Đặc khu kinh tế (SEZ). Các SEZ này đã có những ưu đãi về thuế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, vào năm 1989, Trung Quốc đã thực thi chiến lược phát triển vùng duyên hải nhằm sử dụng các vùng chiến lược dọc theo bờ biển của đất nước làm chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế.
Những năm 1990 trở đi
Đến những năm 1990, thế giới chứng kiến sự trỗi dậy của chuỗi giá trị toàn cầu và dây chuyền sản xuất xuyên quốc gia, trong đó Trung Quốc đã hình thành là một trung tâm sản xuất giá rẻ do chi phí lao động thấp cho toàn thế giới.
Chiến lược Phát triển Phương Tây được thực hiện vào năm 1999, được gọi là chương trình “Mở cửa phương Tây”. Chương trình kích hoạt xây dựng cơ sở hạ tầng và giáo dục nhằm giữ chân nhân tài trong nền kinh tế Trung Quốc với mục tiêu thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài.
Cuối cùng, Trung Quốc chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, điều này cho phép Trung Quốc đạt được bước phát triển toàn diện.
Sản xuất tại Trung Quốc
Ngày nay Trung Quốc là một gã khổng lồ về thương mại và sản xuất khủng. Nếu Hoa Kỳ và Đức có tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu, lần lượt là 8,1% và 7,8%, thì Trung Quốc là 14,7% (năm 2020).
Thứ hạng thị phần xuất khẩu toàn cầu của Quốc gia (2020)
Ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc đã vươn lên vị trí thống trị trong việc sản xuất bất cứ thứ gì từ các đồ gia dụng thông thường đến các sản phẩm không thể thiếu trong sản xuất ô tô. Một số mặt hàng chủ lực của ngành sản xuất Trung Quốc là: các công cụ chính xác, chất bán dẫn...
Covid-19 đã cho thấy vai trò không thể thiếu của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu là rất rõ ràng, và bất kỳ sự chậm trễ của chuỗi cung ứng ở Trung Quốc đều gây nên phản ứng dây chuyền trên toàn cầu.
Siêu cường xuất khẩu và thách thức
Vào năm 2021, sự phục hồi thương mại của Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng đã mang lại lợi ích tốt nhất cho hầu hết các quốc gia khác. Trong quý 1 năm 2021, xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng gần 50% so với năm trước, lên khoảng 710 tỷ USD.
Các kế hoạch phát triển kinh tế khác đang được triển khai tốt ở Trung Quốc, như Made in China 2025, với mục tiêu trở thành quốc gia thống trị trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao toàn cầu.
Ngoài ra, sáng kiến của Trung Quốc với “Một vành đai, Một con đường”, với các dự án được phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn cầu cũng là một bước đi dài thể hiện quyết tâm và tham vọng của Trung Quốc vươn lên vị trí số 1 thế giới về kinh tế.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn là thành viên sáng lập của RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) một khối thương mại lớn trên thế giới với sự tham dự của 10 nước Asean và 5 nước khác là Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Úc, NewZealand.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với một loạt thách thức, chẳng hạn như: dân số suy giảm; sự thay thế của công nghệ nhằm tiết kiệm lao động, chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ và các lệnh trừng phạt từ các đối tác thương mại khác như Châu Âu, sự xuất hiện của các cường quốc thương mại ASEAN…
Bài báo nhận định việc giảm dân số ở Trung Quốc có nhiều tác động như lực lượng lao động và thị trường trong nước bị thu hẹp. Hơn nữa, những đổi mới trong công nghệ tiết kiệm lao động, chẳng hạn như robot và tự động hóa, đã bắt đầu làm suy yếu vị thế của Trung Quốc về lao động thủ công rẻ mạt.
Ngoài ra, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết, nhiều công ty đa quốc gia đang dịch chuyển, thiết lập cửa hàng tại các trung tâm sản xuất ít tốn kém hơn như Việt Nam.
Tất cả những yếu tố này và hơn thế nữa có thể gây ra sự chậm lại của tăng trưởng và thách thức vị trí thống trị xuất khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong khi tương lai đối với Trung Quốc có thể không chắc chắn, nhưng hiện tại, thương mại và sản xuất toàn cầu vẫn tiếp diễn và thế giới vẫn cần các nhà xuất khẩu của Trung Quốc.