Việt Nam nhập siêu trong tháng 4
(DNTO) - Ước tính tháng 4, Việt Nam nhập khẩu 27 tỷ USD hàng hóa, trong khi xuất 25,5 tỷ USD.
Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, Tổng cục Thống kê cho biết kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3 đạt 29,65 tỷ USD, cao hơn 1,05 tỷ USD so với số ước tính. Ước tính tháng 4, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 25,5 tỷ USD, giảm 14% so với tháng trước và tăng 44,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng có tới 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Về cơ cấu, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 57,58 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 36,6 tỷ USD, tăng 27,5%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 7,33 tỷ USD, tăng 8,8%. Nhóm hàng thủy sản đạt 2,39 tỷ USD, tăng 6,1%.
Về thị trường, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,3 tỷ USD, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,8 tỷ USD, tăng 32,4%; thị trường EU đạt 12,6 tỷ USD, tăng 18,1%; thị trường ASEAN đạt 8,8 tỷ USD, tăng 13,3%; Hàn Quốc đạt 6,9 tỷ USD, tăng 12,1%; Nhật Bản đạt 6,5 tỷ USD, tăng 1,5%.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 3 đạt 28,46 tỷ USD, cao hơn 257 triệu USD so với số ước tính.
Ước tính tháng 4, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, giảm 5,1% so với tháng trước và tăng 43,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 102,61 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ.
Về cơ cấu, nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 96,31 tỷ USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,9% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 6,3 tỷ USD, tăng 22,5% và chiếm 6,1%.
Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 33,1 tỷ USD, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 16,9 tỷ USD, tăng 16,9%; thị trường ASEAN đạt 14,1 tỷ USD, tăng 48,2%; Nhật Bản đạt 7,2 tỷ USD, tăng 10,5%; thị trường EU đạt 5,3 tỷ USD, tăng 16,6%; Mỹ đạt 5,1 tỷ USD, tăng 7,9%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 3 xuất siêu 1,2 tỷ USD; quý I xuất siêu 2,79 tỷ USD. Tháng 4 ước tính nhập siêu 1,5 tỷ USD; ước tính 4 tháng đầu năm, xuất siêu 1,29 tỷ USD.
Cũng tại báo cáo, cơ quan thống kê thông tin chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm 0,04% so với tháng trước. CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 0,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2020; CPI tháng 4 tăng 1,27% so với tháng 12/2020 và tăng 2,7% so với cùng kỳ.
Lạm phát cơ bản tháng 4 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 0,95% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 0,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, giá vàng trong nước biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 4 giảm 1,9% so với tháng trước; giảm 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 13,84% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá USD tháng 4 thì tăng 0,29% so với tháng trước; tăng 0,18% so với tháng 12/2020 và giảm 1,35% so với cùng kỳ năm trước.