VCCI: Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam thông qua VBIN và VBII
(DNTO) - Năm 2021, gần 60% doanh nghiệp cho biết, hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp còn phổ biến. Vì vậy, theo VCCI, việc tham gia Mạng lưới Doanh nghiệp Kinh doanh liêm chính (VBIN) và sử dụng Bộ Chỉ số Kinh doanh liêm chính (VBII) sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam.
Tại Hội thảo “Cùng hành động thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam” tổ chức ngày 22/12 tại Hà Nội, ông Tomas Kvedaras, Chuyên gia dự án, Mạng lưới Liêm chính Tư pháp tại ASEAN, Dự án FairBiz, Văn phòng UNDP vùng tại Bangkok nhận định, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang cải thiện điểm số về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) và Chỉ số Pháp quyền của Dự án Tư pháp Thế giới (WJP).
Cụ thể, kết quả CPI của TI năm 2017, Việt Nam được xếp hạng 113 toàn cầu với số điểm 33. Năm 2021, thứ hạng đã tăng 26 bậc lên vị trí 87 với số điểm 39. Đối với xếp hạng Pháp quyền của WJP, Việt Nam là một ngoại lệ trong số các nước ASEAN khi thăng hạng ở vị trí 88.
Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững, VCCI cho biết, từ năm 2017 đến nay, dự án Fairbiz và Sáng kiến Liêm chính giữa doanh nghiệp và Chính phủ được VCCI phối hợp thực hiện với UNDP, dưới sự hỗ trợ của Vương quốc Anh, đã đem lại nhiều kết quả tích cực, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Theo đó, gần 1.500 doanh nghiệp đã được đào tạo về cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử; 15 hiệp hội doanh nghiệp với gần 13.000 hội viên tham gia ký cam kết kinh doanh liêm chính; Hỗ trợ kỹ thuật cho 7 doanh nghiệp, trong đó có 2 doanh nghiệp do nữ làm chủ…
Đặc biệt, sự kiện khởi xướng Mạng lưới Doanh nghiệp Kinh doanh liêm chính Việt Nam (VBIN) năm 2021 và công bố Bộ Chỉ số Kinh doanh liêm chính Việt Nam (VBII) năm 2022, là hai hoạt động được đánh giá là đang mang lại nhiều kết quả tích cực trong việc xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính, kinh doanh công bằng tại Việt Nam.
Cụ thể, kết quả điều tra PCI năm 2021 do VCCI thực hiện cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức giảm xuống mức 41,4%, (năm 2020 là 44,9%). Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua (năm 2006 là 70%). Quy mô khoản chi phí không chính thức cũng đã giảm đáng kể, khi mà tỷ lệ doanh nghiệp dành để chi trả loại chi phí này chỉ khoảng 4,1%, (năm 2016 là 9,1%).
Kết quả khảo sát, đánh giá hiện trạng thực hiện kinh doanh liêm chính của 30 công ty niêm yết tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dựa theo VBII của TS. Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc và Nhà kinh tế trưởng, Trung tâm nghiên cứu Chính sách và Phát triển cũng cho thấy, VBII phù hợp với các doanh nghiệp ở Việt Nam về: quy mô, hình thức sở hữu, lĩnh vực và cơ cấu (công ty niêm yết, công ty tư nhân, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, hay công ty có vốn Nhà nước…).
VCCI cho rằng, để tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch hơn, ngoài sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp chính quyền, cần sự chủ động, chung tay của cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam bằng việc tham gia vào VBIN và sử dụng VBII. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, nguồn lực tài chính, giúp xây dựng và thúc đẩy môi trường kinh doanh liêm chính, minh bạch tại Việt Nam trong thời gian tới.