Văn hóa là công cụ hữu hiệu tạo đà cho doanh nghiệp phát triển
(DNTO) - Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Le Invest, văn hóa là công cụ hữu hiệu tạo đà cho doanh nghiệp trụ vững và phát triển, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như hiện nay.
Tại Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp năm 2021” chủ đề: "Tiếp biến văn hóa - Nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế", diễn ra ngày 9/11, câu chuyện về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa ứng xử giữa chủ doanh nghiệp và người lao động trong cơn khủng hoảng dịch Covid-19 được các nhà nghiên cứu, quản lý và các doanh nghiệp… đưa ra trao đổi, bàn luận.
Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ao Vua cho rằng tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến lao động gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia thị trường lao động và đóng góp trong chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Để giữ chân người lao động, theo ông Thản, mỗi doanh nghiệp lại có chính sách riêng của mình.
“Chủ động chăm lo và điều chỉnh chính sách đãi ngộ trong và sau khi kiểm soát dịch Covid-19 được xem là giải pháp đúng đắn của doanh nghiệp để "giữ chân" người lao động. Trong dịch, có doanh nghiệp đã tổ chức ứng lương trước một tháng để người lao động ổn định cuộc sống. Nhiều doanh nghiệp đã có các biện pháp, cải thiện chính sách cho người lao động, cụ thể là vẫn đóng bảo hiểm cho người lao động dù họ không đi làm…”, ông Thản chia sẻ.
Theo ông Thản, để người lao động rời bỏ doanh nghiệp, gây ra khủng hoảng nguồn nhân lực là lỗi của chủ doanh nghiệp. Vì vậy, văn hóa của doanh nghiệp, cách ứng xử giữa chủ doanh nghiệp với người lao động chính là nền tảng cốt lõi, là việc sống còn giúp doanh nghiệp trụ vững và phát triển.
Đồng quan điểm, PGS.TS Dương Thị Liễu, Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Văn hóa Kinh doanh (IBC) cho rằng, văn hóa doanh nghiệp chính là sự thấu cảm, đồng hành, chia sẻ của chủ doanh nghiệp với người lao động.
“Trong cơn khủng hoảng, người lao động luôn kỳ vọng vào lãnh đạo doanh nghiệp – những người sẽ giúp họ tìm ra lối thoát. Trong bối cảnh đó, chủ doanh nghiệp phải là người bản lĩnh, kiên cường để cùng đồng hành với người lao động. Không chỉ vậy, bằng hành động cụ thể, doanh nghiệp cần có mức lương tương xứng, tạo ra phúc lợi cho người lao động; có chính sách làm việc linh hoạt, xây dựng văn hóa doanh nghiệp... đó sẽ là những giải pháp căn cơ giúp tạo niềm tin, sự chia sẻ, gắn bó lâu dài giữa doanh nghiệp và người lao động”, bà Liễu nói.
Bà Liễu nhấn mạnh, môi trường văn hoá của doanh nghiệp có ý nghĩa tác động quyết định đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành viên và việc sử dụng đội ngũ lao động, giúp doanh nghiệp trở thành một cộng đồng làm việc trên tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó, thân thiện, tiến thủ. Trên cơ sở đó, hình thành tâm lý chung và lòng tin vào sự thành công của doanh nghiệp.
Theo ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Trưởng ban tổ chức: Diễn đàn quốc gia thường niên "Văn hóa với doanh nghiệp" năm 2021 dự kiến tổ chức ngày 5/12 tại Grand Plaza Hotel (Hà Nội). Đây cũng là lần thứ hai diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo kế hoạch, bên cạnh các hoạt động chính, trong khuôn khổ diễn đàn sẽ tổ chức Sơ kết 5 năm triển khai cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" do Thủ tướng Chính phủ phát động; Lễ tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam". Các doanh nghiệp đạt chuẩn phải đáp ứng đủ các tiêu chí trong Bộ Tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ban hành và qua sự thẩm định của Hội đồng Quốc gia trên nguyên tắc "Minh bạch - Công tâm - Công bằng".
Diễn đàn cũng sẽ vinh danh các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam".