Tỷ phú Việt thâu tóm mỏ quặng Úc, mua tàu lớn vượt biển qua Âu - Mỹ
(DNTO) - Thế giới đang rơi vào một thời kỳ bất ổn chưa từng có trong lịch sử, với giá cả nhiều loại hàng hóa tăng chóng mặt và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây là bài toán khó đối với các doanh nghiệp, trong đó có các đại gia Việt.
Không như dự đoán của nhiều đại lý rằng giá sắt thép sẽ giảm cuối quý II đầu quý III, giá thép và nguyên liệu sản xuất thép quay đầu tăng nhanh sau một đợt giảm nhẹ rất ngắn vừa qua. Giá tăng do nhu cầu mạnh trên phạm vi toàn thế giới.
Giá quặng sắt tăng tới gần 3% trong phiên 2/6 và lên 193 USSD/tấn. Quặng sắt hàm lượng cao hơn lên gần 207 USD/tấn. Giá thép phế liệu cũng tăng mạnh.
Giá thép thế giới tăng mạnh mang lại lợi nhuận ấn tượng cho nhiều doanh nghiệp sản xuất tôn-thép tại Việt Nam như Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tôn Hoa Sen (HSG), Thép Nam Kim (NKG) trong năm 2020 và quý I/2021…
Đây được xem là kết quả của việc mua giá nguyên liệu đầu vào ở mức thấp trước đó và bán sản phẩm với mức giá đỉnh cao gần đây. Tuy nhiên, về lâu dài, giá quặng thép ở mức cao kéo dài thì các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Gần đây, giá dầu cũng tăng mạnh. Dầu Brent đã lên tới gần 71,5 USD/thùng và được dự báo sẽ chạm mốc 80 USD/thùng ngay trong mùa hè này. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá dầu đã tăng khoảng 40% nhờ nhiều nước tái mở cửa nền kinh tế.
Giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng nhiều tới dịch vụ logistics, qua đó tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long hay Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ.
Tỷ phú Trần Đình Long.Không có nhiều giải pháp cho các doanh nghiệp trong bối cảnh giá hầu hết các loại hàng hóa dịch vụ đều tăng. Tuy nhiên, một số đại gia Việt cũng có những tính toán dài hơi để phát triển bền vững.
Theo Tờ AustraliaMining, Tập đoàn Hòa Phát của Việt Nam đã mua lại mỏ quặng sắt Roper Valley của nước Úc với trữ lượng 320 triệu tấn, công suất khai thác 4 triệu tấn một năm. Cũng theo tờ này, HPG đang nghiên cứu mua tiếp một số mỏ sắt mới tại Australia, về dài hạn nhằm đảm bảo ít nhất 50% nguồn cung quặng sắt của tập đoàn này, tương đương khoảng 10 triệu tấn mỗi năm.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long cũng đang đặt ra tham vọng mua một vài mỏ than luyện cốc của Australia.
Trên thực tế, hoạt động sản xuất thép phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu sản xuất đầu vào như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc... Giá cả sản phẩm sẽ phụ thuộc vào các nguyên liệu đó và chủ yếu nhập từ nước ngoài.
Để chủ động cho sản xuất, hồi cuối tháng 5, Hòa Phát cũng đã đề xuất xây dựng nhà máy điện nhiệt dư 5x60MW, dự kiến nằm trong quy hoạch khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, cấp điện cho khu liên hợp thép Dung Quất 85.000 tỷ đồng. Nếu được bổ sung quy hoạch, dự kiến chủ đầu tư sẽ khởi công xây dựng trong năm 2022 và đưa vào vận hành năm 2024.
Hồi giữa tháng 4, Hòa Phát cũng đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để khởi công nhà máy vỏ container ngay trong tháng 6/2021 tại Bà Rịa Vũng Tàu. Đây là một bước đi nữa của HPG để xây dựng hệ sinh thái sản xuất gang thép của Hòa Phát.
Hòa Phát cũng đã đặt Nhật đóng xong và đưa vào vận hành tàu The Harmony trọng tải 90 nghìn tấn để chuyên chở hàng rời như than, quặng sắt,… Hiện HPG sở hữu 2 tàu có quy mô lớn như vậy, giúp Hòa Phát chủ động trong việc nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng như xuất khẩu.