'Tỷ giá tăng, chưa chắc kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã xấu'
(DNTO) - Đánh giá về tác động tỷ giá với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 4 chỉ mang tính tham khảo bởi có thể cuối năm tỷ giá còn thay đổi. So với nhiều đồng tiền khác trong khu vực và trên thế giới, tiền đồng vẫn thuộc nhóm mất giá ít nhất, chuyên gia SSI nhận định.
Trước lo lắng của nhiều người về tác động của sự tăng "nóng" tỷ giá với hoạt động của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm, Kinh tế trưởng của SSI, ông Phạm Lưu Hưng, lại bày tỏ một góc nhìn có phần lạc quan hơn trong một talkshow với các nhà đầu tư chứng khoán diễn ra ngày 19/10.
Theo ông, mọi đánh giá về tác động của tỷ giá với doanh nghiệp chỉ nên xem là yếu tố tham khảo, nghiên cứu thêm, không nên vì vậy mà lo lắng.
"Mọi người thường nghĩ tỷ giá sẽ tác động đến kết quả kinh doanh các doanh nghiệp nhưng cái này cũng tùy. Mức độ mất giá tiền Việt với USD nhiều hơn vào tháng 10 nên kết quả kinh doanh quý 3 sẽ chưa nhìn thấy. Với quý 4, cuối quý, nếu đồng USD yếu đi mà không phải ở mức như hiện nay thì kết quả kinh doanh cũng sẽ tốt. Chúng ta còn chưa biết thời gian tới đồng đô la Mỹ sẽ lên hay xuống, vì vậy mọi đánh giá bây giờ chỉ mang tính tham khảo", ông Hưng nhận định.
Theo lý giải của ông, mọi người chỉ nhìn vấn đề này theo hướng một chiều nên thấy những biến động tỷ giá gần đây là xấu. "Chúng ta mới chỉ nhìn thấy sự biến động tiền Việt so với USD với giai đoạn trước mà chưa nhìn ra mức biến động của nhiều đồng tiền khác, mức độ mất giá rất nhiều so với USD. Tiền Việt chỉ mất giá với USD thôi chứ các tiền khác như Yên Nhật, Bảng Anh, Nhân dân tệ… thì vẫn lên giá", ông Hưng chia sẻ.
Tính đến ngày 19/10, tỷ giá trung tâm USD/VND tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được niêm yết ở mức 23.637 đồng/USD, tăng tiếp 51 đồng/USD so với phiên giao dịch ngày 18/10, tăng 112 đồng so với cuối tuần trước. Tại các ngân hàng, tỷ giá USD cũng đồng loạt được điều chỉnh theo chiều tăng giá.
Tính đến cuối quý 3, đồng VND đã mất giá khoảng 4,5% so với cuối năm 2021. Hiện tại, với tháng 10 nhiều biến động, tỷ lệ này đã tăng mạnh vượt mức 6% so với cuối năm 2021, trong bối cảnh NHNN nới rộng biên độ tỷ giá lên mức từ 3% lên 5%, cũng như điều chỉnh giá bán giao ngay lên 24.380 đồng nhằm hút tiền về.
Theo đánh giá của các chuyên gia từ SSI, nếu xét trong ngắn hạn, những động thái trên của cơ quan chức năng là cần thiết khi tỷ giá đang phải đối mặt với nhiều áp lực như khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào cuối năm, cung ngoại tệ trong nước gặp khó trong quý 4 nếu xuất khẩu yếu và kiều hối chậm lại.
Trong khi đó, NHNN cũng khá khó khăn trong các quyết định của mình khi mà "Dự trữ ngoại hối không còn quá dồi dào và nếu tăng lãi suất quá mạnh cũng sẽ tác động lớn đến trạng thái ổn định của nền kinh tế, vốn đang ở vị thế khá khó khăn", SSI nhận định.
Thực tế, việc tỷ giá tăng mạnh chỉ ảnh hưởng tới một số doanh nghiệp như các doanh nghiệp vay ngoại tệ, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu…
Liên quan đến vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho biết, trong ngắn hạn, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ tác động đến các doanh nghiệp theo cả 2 hướng: Nếu doanh nghiệp có tỷ trọng nợ vay ngắn hạn lớn sẽ bị tác động tiêu cực hơn doanh nghiệp có tỷ trọng nợ vay dài hạn lớn và nếu doanh nghiệp sử dụng khoản vay USD với lãi suất thả nổi sẽ chịu áp lực lớn hơn những khoản vay có lãi suất cố định.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, về dài hạn, "áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt trong năm 2023" và những doanh nghiệp có tỷ trọng nợ vay dài hạn bằng đồng USD lớn có thể đỡ áp lực hơn.
Câu chuyện của tỷ giá sẽ còn nhiều đoán định trong thời gian tới. Điều quan trọng, vẫn là mỗi doanh nghiệp luôn cần sự chuẩn bị nguồn lực kỹ càng, có kế sách nhanh nhạy ứng phó với tình hình mới trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay.