Truyện cổ tích, thiên đường của trẻ thơ
(DNTO) - Giáng Sinh cùng với những ý nghĩa tôn giáo đã trở thành một ngày lễ kì diệu trong ký ức của trẻ con bất kể dân tộc, tín ngưỡng. Hôm nay là ngày mà rất nhiều em bé chờ đợi quà của ông già Noel như một phép mầu của cuộc sống. Nó xuất phát từ một câu chuyện cổ tích.
Ngày nay, hầu như rất ít trẻ con không biết "phép mầu" ấy được tạo ra từ chính bố mẹ hoặc người trong gia đình. Chúng cũng biết rõ quà là do phụ huynh mua rồi lén để vào chỗ chúng nằm ngủ để tạo bất ngờ cho con. Chúng biết “tỏng” ông già Noel chính là “ ông già dịch vụ”. Đấy là những nhân viên hóa trang y như hình ảnh ông già Noel trong cổ tích. Nhưng người lớn vẫn tìm mọi cách để “lấp liếm” và trẻ con vẫn muốn hằng tin đó là sự thật.
Tuy nhiên, cho dù là của ai thì cũng chỉ có những trẻ em ngoan mới được quà. Trước giáng sinh, các em thường viết thư gửi ông già Noel kể lại từ sau Giáng sinh năm trước đến nay mình đã ngoan ngoãn như thế nào, và nêu tên món quà mà mình mong muốn nhận được. Nó ví như một “bản tự kiểm”. Đó là ý nghĩa thiết thực nhất của thông lệ này.
Miền cổ tích là một thế giới trong trẻo, bình yên, là không gian tuyệt vời để nuôi nấng tâm hồn trẻ thơ. “Sẽ thật bất hạnh nếu tuổi thơ không có chuyện cổ tích”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định.
Ra đời đồng thời với khi ngôn ngữ xuất hiện, truyện cổ tích thường được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Lần đầu tiên đứa trẻ được nghe chuyện cổ tích thường là từ mẹ và bà. Cứ thế mà qua nhiều thế hệ.
Truyện cổ tích thường giải thích hiện tượng thiên nhiên, phản ánh quan hệ xã hội. Đặc biệt, liên quan đến các ngày lễ hội trong năm như Tết Nguyên đán thì có sự tích ông công ông táo, Trung thu có sự tích chú Cuội chị Hằng, Giáng sinh có sự tích Ông già Noel…
Truyện cổ tích thường mang tinh thần lạc quan, nó phản ánh giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp, phản ánh tinh thần đấu tranh chống lại cái ác cái xấu. Đặc biệt là đề cao lòng nhân ái. Truyện cổ tích luôn kết thúc có hậu, cái thiện chiến thắng cái ác, người tốt được phú quý vinh hoa, người ác sẽ bị tiêu trừ hoặc biến thành loài sâu bọ.
Từ khi chữ viết xuất hiện, truyện cổ tích bắt đầu được in thành sách. Nhưng trẻ con vẫn thích được nghe kể hơn là đọc. Ngày xưa, khi chưa có mô hình mẫu giáo, mầm non, ở Việt Nam mô hình tam tứ đại đồng đường giúp trẻ em ngay từ bé đã được tiếp xúc với ông bà vốn là những người tuy ít học nhưng tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống và đặc biệt là thuộc rất nhiều chuyện cổ tích. Ngoài việc tiếp nhận những bài học đạo đức sơ đẳng nhất như gọi dạ bảo vâng, đi thưa về trình, ăn trông nồi ngồi trông hướng thì trẻ được sống trong không gian thiện ác, xấu tốt và nhiều cung bậc cảm xúc buồn vui, sướng khổ qua những câu chuyện cổ tích được ông bà kể lại với nhiều dị bản vùng miền phong phú.
Ngày nay, do hoàn cảnh xã hội thay đổi, mô hình đại gia đình dần không còn phổ biến. Các cặp vợ chồng trẻ đi lập nghiệp xa quê, tạo thành những gia đình hạt nhân - là kiểu gia đình ngày càng phổ biến. Trong hoàn cảnh người phụ nữ cùng tham gia công việc ngoài xã hội với người đàn ông. Buổi tối có khi công việc còn theo về nhà, nếu không áp lực công việc cả ngày cũng làm bố mẹ rất mệt mỏi, cho nên họ chọn cách “quăng” cho trẻ con một đống sách truyện cổ tích và câu nói: “Con biết chữ rồi thì tự đọc lấy. Bố/mẹ không rảnh”.
Nhưng ít ai quan tâm đến việc trẻ đọc và được nghe kể truyện cổ tích rất khác biệt. Trong quá trình nghe kể, chỗ nào thắc mắc trẻ sẽ hỏi và người lớn có dịp diễn giải thêm tùy theo lứa tuổi của trẻ và tình hình xã hội thực tế. Trong khi đọc, với tư duy độc lập và trí thông minh của trẻ ngày nay, có thể nhiều em sẽ phân vân bởi nhiều chi tiết không còn phù hợp.
Để giải quyết vấn đề này, ở phương Tây, nhiều nơi có hẳn loại hình nghệ thuật nghệ nhân kể chuyện cổ tích. Song song với việc tạo ra không khí cổ tích, để người nghe được sống trong thế giới hoang đường, kì ảo, huyền hoặc, "như thật", nghệ nhân cũng sẽ giúp người nghe tỉnh lại, thoát khỏi sự quyến rũ mê hoặc của không khí cổ tích, trở về với đời thực, để hiểu rằng, cổ tích chỉ là cổ tích mà thôi.
Cho dù bao nhiêu năm nữa, thế giới có thay đổi như thế nào, nhân loại có văn minh đến đâu thì cổ tích vẫn tồn tại như là một thế giới riêng biệt của tuổi thơ. Và người lớn vẫn còn mượn khái niệm cổ tích để gọi tên cho những câu chuyện có một kết cuộc tốt đẹp: “Chuyện cổ tích giữa đời thường”.