Trăm năm làng dệt khăn choàng đất Sen
(DNTO) - Những ngôi nhà sàn lấp lánh ánh vàng xanh chàm lam đỏ tím của ngàn ngàn sợi chỉ như “ngủ ngoan” dưới tán lá xanh um dọc bờ sông Tiền, nhưng khi đến đây, du khách ngỡ ngàng trước sức sống bền bỉ, sôi động của làng dệt khăn choàng ấp Long Tả, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Đất Sen ươm tằm, dệt lụa
Ngày cuối năm, gió chướng tràn về, từ thành phố Cao Lãnh, chúng tôi đi qua những cánh đồng xanh mướt, những vườn cây ăn trái, qua con phà nhỏ để đến Cù lao Long Khánh.
Chị Kim Chiều, chủ Cơ sở dệt khăn choàng Kim Chiều đón chúng tôi từ chân cầu Doi Xoài, qua con đường làng nhỏ xinh, chúng tôi ghé thăm một trong những điểm đến được khách du lịch lựa chọn khi thăm làng nghề hơn 100 năm tuổi.
Ngôi nhà sàn nằm doi ra mé sông đón những cơn gió đồng mát rượi là nơi chị Kim Chiều đặt 5 chiếc máy dệt, cũng là nơi bày bán sản phẩm, đón các đoàn du khách trên hành trình tham quan các tour dọc sông Mê Kông.
Khi về làm dâu một gia đình có nhiều đời ông bà, cha mẹ theo nghề dệt truyền thống hơn 35 năm, chị Kim Chiều nối tiếp, trở thành thế hệ thứ 3, là một trong những người có nhiều cống hiến, sáng tạo, góp phần làm nên thương hiệu chiếc khăn choàng của đất Sen Đồng Tháp.
“Khi tôi về làm dâu, gia đình chồng đã có hơn ba đời theo nghề này. Lúc ấy, tất cả công đoạn đều làm thủ công nên rất vất vả. Người làm nghề phải thức dậy từ sáng sớm để thực hiện nhiều công đoạn như ngâm sợi, nấu màu, xay gạo, hồ bột, nhuộm chỉ, phơi nắng, quay cuộn lên hoa cửi, dệt... Vì vậy mỗi ngày, một người thợ chỉ dệt được nhiều nhất 15-20 chiếc khăn”, chị Kim Chiều nhớ lại.
Nhiều người dân ấp Long Tả cho biết, nơi đây vốn là vùng đất trù phú, người dân có nghề trồng dâu nuôi tằm cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề dệt lụa nổi tiếng trong vùng.
Sản phẩm nổi tiếng Lãnh Mỹ A một thời cũng có công đóng góp của những người dân làng nghề Long Tả. Dần dà, từ cung cấp nguyên liệu, người dân chuyển sang tự sản xuất và làng nghề hình thành từ đó.
Từ năm 2005, làng đã sử dụng máy móc để thay thế sức người trong nhiều công đoạn. Nhiều gia đình đầu tư nồi hấp, máy dệt để đáp ứng nhu cầu sản xuất với số lượng lớn nhưng trình tự thực hiện từ đảo chỉ, nấu, nhuộm màu, khuấy hồ, phơi khô, quay chỉ, móc cửi, dệt… không hề bớt đi khâu nào.
Những chiếc khăn rằn mộc mạc, giản dị thành hình từ quá trình lao động kỳ công của người thợ.
Hồi sinh làng nghề trăm năm tuổi
Trải qua bao thăng trầm nhưng đến thăm làng nghề hôm nay, du khách vẫn được đắm chìm trong hồn cốt vẹn nguyên của làng quê Nam Bộ xưa.
Bên trong những ngôi nhà sàn, thanh âm lách cách của khung dệt khiến không gian nhộn nhịp hơn. Điểm tô cho màu xanh cây lá là những cuộn chỉ đủ màu sắc óng ả, rực rỡ ẩn hiện quanh sân nhà tạo nên bức tranh làng quê độc đáo.
Làng nghề 100 tuổi hồi sinh trong tiếng reo vui của những chiếc máy dệt hoạt động liên tục, tiếng nói cười rộn rã của các thợ dệt lành nghề.
Thống kê từ Hợp tác xã Dệt khăn rằn ấp Long Tả, làng hiện có khoảng 200 máy dệt các loại của gần 50 hộ sản xuất, mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 4.000 chiếc khăn; mỗi năm có thể xuất bán hàng triệu chiếc với nhiều hoạ tiết đẹp mắt.
Theo chị Kim Chiều, hiện sản phẩm khăn của làng dệt choàng đưa ra thị trườg có hai loại: Khăn truyền thống (khăn rằn dành cho người dân dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày, khoảng 30.000-40.000 đồng/chiếc) và khăn dành cho khách du lịch (có nhiều loại với kết cấu vải cao cấp, màu sắc, họa tiết khác nhau, thêu tay… từ 80.000-150.000 đồng/chiếc tùy mẫu mã).
Bên cạnh sản phẩm khăn choàng, làng còn sản xuất nhiều đồ lưu niệm như áo, túi, mùng, phụ kiện thời trang… từ chất liệu vải khăn rằn nhiều màu sắc.
Từ năm 2014, sản phẩm của làng nghề dệt choàng Long Khánh A được UBND tỉnh Đồng Tháp chọn làm sản phẩm công nghiệp nông nghiệp tiêu biểu. Năm 2022, sản phẩm tiếp tục được Cục Công thương cấp chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực.
Cùng với đó, bộ quà tặng của Hợp tác xã Dệt choàng Long Khánh và bộ quà tặng của Cơ sở Dệt choàng Kim Chiều cũng được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện Hồng Ngự và của tỉnh Đồng Tháp.
Với sự quan tâm đầu tư của UBND tỉnh, nghề dệt choàng Long Khánh đã hồi sinh sau những thăng trầm, đầu ra sản phẩm ổn định, hướng tới phát triển du lịch.
Cơ sở Dệt choàng Kim Chiều đón khoảng 50-60 khách du lịch đến tham quan mua sắm mỗi tuần. Khung dệt và các công đoạn làm thủ công vẫn được gìn giữ để khách tham quan trải nghiệm.
Sau những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện làng nghề dệt choàng đã hồi sinh trở lại với 80% công suất. Nhu cầu của khách hàng đang tăng lên với nhiều đơn hàng cuối năm khiến không khí làm việc tất bật và khẩn trương hơn.
Lòng yêu nghề và chăm chỉ lao động của những nghệ nhân làng dệt choàng đất Sen hồng không chỉ mang khăn rằn tới người dân miệt vườn, mà họ còn tìm tòi, sáng tạo, phát triển sản phẩm của quê hương trở thành những món quà lưu niệm, đồ thời trang độc, lạ phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.
Suốt một thế kỷ qua, nhiều thế hệ nghệ nhân của làng đã xây dựng nên bản sắc thương hiệu làng dệt khăn choàng, chuyên cung cấp khăn rằn cho các làng quê Nam bộ và xuất khẩu qua Campuchia.