TP.HCM hiện chỉ còn 68 chợ truyền thống hoạt động
(DNTO) - Do liên quan tới các ca dương tính với SARS-CoV-2, hiện TP.HCM chỉ còn 68 chợ trong tổng số 273 chợ truyền thống còn hoạt động.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết như trên tại buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch bệnh Covid-19 chiều nay, 12/7.
Theo đó, hiện đã có tới 169 chợ truyền thống (bao gồm 3 chợ đầu mối) và 4 siêu thị lớn phải tạm dừng hoạt động.
Ông Phương cho biết, 3 chợ đầu mối và 4 siêu thị lớn phải tạm ngưng hoạt động do liên quan tới ca nhiễm SARS-CoV-2. Các chợ truyền thống phải tạm ngưng phục vụ vì hai lý do: Liên quan ca nhiễm hoặc địa phương đánh giá hoạt động của chợ chưa đảm bảo theo Bộ Tiêu chí an toàn của thành phố.
Trước ý kiến những ngày qua một số siêu thị thiếu hàng, ông Phương cho biết Sở Công thương, các đơn vị cung ứng đã có kế hoạch cung ứng hàng hóa và triển khai để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho người dân. Các siêu thị có kho dự trữ và nguồn hàng dự phòng, đảm bảo liên tục cung ứng lên quầy kệ.
Ông Phương cho biết thêm, đợt này sở đã vận động các cửa hàng thực phẩm nhỏ lẻ, len lỏi trong khu dân cư, đặc biệt là cửa hàng tiện lợi, bổ sung thêm hàng thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, các cửa hàng này có diện tích nhỏ, không có kho chứa hàng hóa, không đủ quầy kệ nên khi người tiêu dùng tập trung mua sắm đông, cửa hàng không kịp cung ứng dẫn đến có giai đoạn thiếu hàng.
Tuy vậy, ông Phương khẳng định thành phố đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho người dân. Đặc biệt, qua theo dõi của sở, hàng hóa trong siêu thị không tăng giá.
Cũng trong hôm nay, TP Thủ Đức, chợ đầu mối Thủ Đức đã thành lập và vận hành trung tâm trung chuyển nông sản tại chợ đầu mối Thủ Đức.
Từ đây, mỗi đêm sẽ có khoảng 1.000-2.000 tấn hàng hóa rau củ quả, trái cây được giao cho các siêu thị, bếp ăn tập thể, các điểm bán tại TP.HCM.
Đồng thời, nguồn tin từ Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, hôm qua (11/7), Ban quản lý chợ đã trình phương án trung chuyển rau củ quả, tái mở cửa một phần chợ này lên Sở Công thương, UBND TP.HCM và đang chờ quyết định.
Theo đó, với phương án xây dựng trung chuyển hàng hoá (chủ yếu là rau củ quả), Ban quản lý chợ Hóc Môn bố trí bãi tập kết rộng hơn 2.000 m2 (chứa khoảng 10 xe container hàng) cho các thương nhân, phương tiện vận tải đạt yêu cầu phòng dịch tham gia kinh doanh.
Nếu phương án này được chấp thuận, dự kiến mỗi ngày sẽ có khoảng hơn 100 tấn hàng rau củ quả được trung chuyển tại chợ Hóc Môn.
Như vậy, thời gian tới, với việc hoạt động của hai điểm trung chuyển hàng hóa này, áp lực về nguồn hàng nông sản cho thị trường sẽ phần nào được giải tỏa.