Tìm lời giải cho nghịch lý của thị trường bất động sản
(DNTO) - Kinh tế trong nước có thể bị tác động không nhỏ bởi tình hình dịch bệnh Covid-19, nhưng thị trường bất động sản chưa bao giờ "gục ngã", thậm chí rơi vào tình trạng "nóng".
Dịch Covid-19 xuất hiện từ những ngày đầu năm 2020 đã tác động mạnh tới tình hình kinh tế xã hội của cả nước. Cho đến cuối tháng 1 vừa qua, một đợt dịch bệnh nữa lại xuất hiện, dẫu người dân đã khá bình tĩnh để thích ứng với tình hình mới, tuy nhiên những tác động và ảnh hưởng của nó lên mọi mặt của đời sống không hề nhỏ.
Theo báo cáo quý I của Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi lần lượt là 2,42% và 2,20%, tăng so với quý I.
Tuy nhiên thực tế đó dường như trái ngược với sự sôi động của thị trường bất động sản trong nước. Giá đất tăng bất ngờ khiến nhiều người như ngồi trên đống lửa. Cơn sốt đất trải qua nhiều địa phương, từ thành phố sầm uất, sôi động đến cả vùng nông thôn nghèo khó.
Vừa qua, báo chí đưa tin về một xã nghèo của Thanh Hóa, nằm khá xa trung tâm thị trấn huyện, người dân ở đây chủ yếu làm ruộng, khu vực quy hoạch là một khu đất hoang, chưa hề có cơ sở hạ tầng nào. Tuy nhiên, khi tổ chức đấu giá 46 lô đất khu vực này, địa phương đã nhận được 2.000 hồ sơ tham gia đấu giá. Đặc biệt, giá khởi điểm là 250 triệu đồng/lô, nhưng được đấu giá lên tới 1-1,4 tỷ đồng. Theo nhận xét của nhiều người, đây là vụ đấu giá “rúng động một vùng quê”.
Tháng 3 năm nay, trang dữ liệu của Batdongsan.com.vn cũng ghi nhận chỉ số mức độ quan tâm của người dân tới bất động sản tăng cao nhất trong lịch sử hơn 10 năm qua của trang. Trang Batdongsan.com.vn ghi nhận lượng người dùng mới tăng trên 60% so với trước đó, trong đó số lượng nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường bất động sản gia tăng đáng kể.
Đặc biệt, trong báo cáo thị trường quý 1, trang này cũng cho biết, sau mỗi lần dịch bệnh bùng phát, mức độ quan tâm của người dân tới bất động sản nhiều hơn. Cụ thể, sau Covid-19 đợt 1, mức độ quan tâm tới thị trường bất động sản tăng 306%, đợt bùng phát đợt 2 tăng 62% và đến đợt 3 thị trường tăng mạnh 378%. Mức quan tâm vượt trội bất ngờ dành cho bất động sản, theo các chuyên gia, là một điều trái quy luật, khi mà dịch bệnh đang khiến nền kinh tế chững lại.
Lý giải sự bất thường này, trả lời Doanh Nhân trẻ Việt Nam, ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Covid-19 ập tới sẽ làm cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ gia đình cung cấp dịch vụ gắn với du lịch không có việc làm, suy nhập bị giảm sút mạnh. Tình trạng này thể hiện càng rõ nét mạnh mẽ mỗi khi dịch Covid-19 bùng phát.
“Khi kinh tế khó khăn, thu nhập bị giảm sút, tiếp cận gói cứu trợ của Chính phủ không thuận lợi, các doanh nghiệp vất vả để tồn tại thì các doanh nhân buộc phải tìm cách kinh doanh khác để kiếm sống. Lẽ thường ở Việt Nam là mọi người hay tìm tới kinh doanh bất động sản, vừa là thói quen và vừa dễ thực hiện”, ông Đặng Hùng Võ lý giải.
Cũng theo ông Võ, chính tư duy này đã làm cho thị trường bất động sản nhà ở vẫn nóng trong mùa dịch.
Lý giải về quy luật bất thường của thị trường bất động sản, ông Võ cho rằng đây là một trong bốn nguyên nhân gây ra tình trạng sốt đất ở hiện nay trên phạm vi toàn thị trường. Ba nguyên ngân còn lại bao gồm: Thứ nhất, việc phê duyệt các dự án đầu tư giảm 10 lần vào năm 2019 và 2020 làm giảm cung nhà ở, giá nhà ở tăng khoảng 20% - 30% như điểm mồi cho sốt đất; thứ hai, hiện là năm đầu kỳ quy hoạch 2021 - 2030 có nhiều ý tưởng quy hoạch mới tạo ra giá trị tăng thêm của đất kích thích kinh doanh bất động sản; và thứ ba, giới đầu cơ, "cò đất" tạo nhiều thông tin lệch lạc để kích cho sốt đất cao hơn nhằm thu lợi từ môi giới lướt sóng.
"Sốt đất sẽ gây tích tụ bong bóng bất động sản, làm thị trường bị méo mó, rủi ro rất cao khi tham gia vào kinh doanh bất động sản. Điểm giới hạn là bóng bóng bị nổ, ai bán được hàng hoá trước thời điểm nổ thì lợi lớn, ai giữ lại hàng sau nổ thì thiệt hại nặng. Sau nổ, giá sẽ sụt giảm mạnh. Những người thiệt hại nặng mà vay tín dụng để kinh doanh trên diện rộng sẽ có thể khủng hoảng tài chính", ông Võ nhấn mạnh.