Đầu tư bất động sản: Không phải lúc nào gà cũng đẻ ‘trứng vàng’?
(DNTO) - Nguồn lợi nhờ kinh doanh đất đai mang lại tương đối lớn, đã tạo nên sức hút khiến một dòng tiền không nhỏ đổ vào bất động sản trong thời gian qua. Nhưng liệu con gà có mãi đẻ “trứng vàng” khi thị trường ít nhiều nhiễu loạn và diễn biến còn phức tạp của dịch bệnh Covid-19.
Lo ngại về “bong bóng” bất động sản
Thông tin từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, giai đoạn Tết Nguyên Đán đến nay, giá đất ở nhiều nơi bất ngờ tăng đến mức chóng mặt, trung bình tăng 10% sau một tháng, thậm chí một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Và cũng theo hội này cho biết, nhiều người bỏ bê công việc lao vào đầu tư đất, huy động các nguồn lực đổ tiền vào buôn đất.
Lãi suất ngân hàng đang ở giai đoạn thấp do chính sách ưu ái cho đầu tư phát triển kinh tế của nhà nước trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 khiến đồng tiền “dễ thở” hơn. Trong bối cảnh này, việc dòng tiền tìm về bất động sản cũng không phải là điều khó hiểu.
Cung ít nhưng cầu nhiều khiến thị trường bất động sản phát triển nóng, "sốt" đất đã diễn ra tại nhiều địa phương giai đoạn từ Tết Nguyên đán đến nay. "Bong bóng" bất động sản rình rập thị trường và nhà đầu tư.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chênh lệch giá đất bị “sốt” và giá đất trong điều kiện thị trường bình thường chính là phần tạo “bong bóng” bất động sản. “Bong bóng” trong bất động sản không thể cứ lớn mãi mà đến một lúc nhất định phải “nổ” do mất cân bằng giá trị. Đặc biệt, ai bán được bất động sản lúc “bong bóng” sắp nổ thì được lãi lớn, ai phải bán sau khi “nổ” thì sạt nghiệp.
Cũng theo ông Võ, trong giai đoạn "bong bóng" ấy, người được hưởng lợi nhất chỉ là những nhóm người lướt sóng hay lực lượng môi giới, cò mồi, họ sẽ nhanh chóng rút chân đi để lại những nhà đầu tư sau cùng "mắc cạn" và một thị trường lộn xộn.
Thực tế cho thấy, khi hiện tượng "sốt" đất diễn ra sẽ kéo theo một lượng tiền lớn đổ vào đất, khi đó tiền dành cho sản xuất sẽ bị thu hẹp lại. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, những tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế không hề nhỏ.
Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, quý 1 đầu năm nay, hơn 40 ngàn doanh nghiệp đã phải dừng chân khỏi thị trường, con số này tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có hơn 23 ngàn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 59,1% tổng số doanh nghiệp rút lui.
Một bài toán có thể giải tương đối dễ, đó là khi vốn đầu tư cho sản xuất bị co lại hoặc không được chú trọng, sản xuất sẽ không thể phát triển, khi đó kinh tế địa phương đi xuống, đời sống người dân khó khăn hơn. Chắc chắn giá đất khó lòng đi lên. Và khi đó, có ai không chắc "bong bóng" bất động sản không vỡ. Người đầu tư sau cùng sẽ lãnh chịu đủ hậu quả.
GS Đặng Hùng Võ cũng đưa ra dẫn chứng, thực tế “bong bóng” bất động sản đã từng xảy ra tại khu vực Đông Nam Á năm 1997, đã dẫn đến cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các nhà đầu tư đã đổ vốn vào bất động sản và ra đi đã tạo nên những thành phố hoang khi sốt đất đi qua. Kinh tế cả khu vực trì trệ và phải mất một thời gian dài mới có thể hồi phục, hệ lụy để lại quá nặng nề.
Đa dạng kênh đầu tư
“Bỏ trứng vào nhiều giỏ” là lời khuyên được nhiều chuyên gia dành cho các nhà đầu tư ở giai đoạn này.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cảnh báo: “Nhà đầu tư phải hết sức thận trọng, phải đa dạng hóa các kênh đầu tư, tránh tâm lý bầy đàn và đầu tư theo phong trào. Mặt khác, không nên dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều, việc vay chỗ này để đầu tư chỗ kia nếu xảy ra rủi ro mất cả hai đầu thì cực kỳ nguy hiểm”.
Không ai có thể nói trước, khi nào cơn "sốt" đất sẽ dừng lại, bong bóng bao giờ bùng nổ, tuy nhiên rủi ro luôn hiện hữu và sự cẩn trọng sẽ là không bao giờ thừa với các nhà đầu tư ở giai đoạn hiện nay.
Đặc biệt với nhà đầu tư cá nhân dùng đến đòn bẩy kinh tế thì rủi ro lớn hơn bởi nếu nếu thị trường không đạt như kỳ vọng, chắc chắn sẽ phải gánh chịu hậu quả quá lớn.
Hơn lúc nào hết, nếu tham gia vào thị trường bất động sản, người đầu tư cần hết sức tỉnh táo, không chạy theo tâm lý đám đông, không tin môi giới, cò mồi, trước khi đầu tư một dự án nào đó cần có sự tìm hiểu tỉ mỉ, thận trọng:
“Hãy đầu tư vào bất động sản trung và dài hạn, không nên nhìn ngắn hạn rất nguy hiểm. Thực tế đã chứng minh đầu tư vào bất kỳ phân khúc nào của bất động sản cũng đều rất tốt trong dài hạn", ông Đặng Văn Quang, Giám đốc JLL Việt Nam cho biết.