Thị trường 'nguội', tháng 10 chỉ duy nhất một doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công
(DNTO) - Chỉ một doanh nghiệp duy nhất phát hành trái phiếu riêng lẻ thành công, thu về hơn 200 tỷ đồng là Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo. Được biết đây là lô trái phiếu có tài sản đảm bảo, được bảo lãnh thanh toán và lãi suất hai kỳ đầu tiên là 11%.
Báo cáo từ Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tháng 10, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ ghi nhận duy nhất một đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 210 tỷ đồng của Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo.
Thông tin từ doanh nghiệp cho biết, đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo, được bảo lãnh thanh toán và xác lập nghĩa vụ trực tiếp với tổ chức phát hành, Tập đoàn Masan. Hai kỳ tính lãi đầu tiên có lãi suất 11%, các kỳ còn lại sẽ là tỷ lệ 4,6% cộng với lãi suất thả nổi.
Công ty Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo thuộc Masan High-Tech Materials, một thành viên của Tập đoàn Masan. Đây cũng là công ty vận hành mỏ Núi Pháo, mỏ đa kim nằm tại ba xã (Hùng Sơn, Hà Thượng và Tân Linh) của huyện Đại Từ, Thái Nguyên, với hoạt động chính là khai thác, chế biến khoáng sản, cung cấp sản phẩm cho nhiều thị trường trên thế giới.
Theo VBMA, tháng 10 năm ngoái, thị trường có 53 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ và 4 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị đạt hơn 39 ngàn tỷ đồng, gấp nhiều lần so với tháng 10/2022. Từ đầu năm đến nay, thị trường chỉ ghi nhận hơn 400 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị khoảng 240 ngàn tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ năm trước.
SGI Capital cho biết, "tháng 10 được chứng kiến nỗi sợ hãi của nhà đầu tư về chất lượng trái phiếu và thanh khoản thị trường trái phiếu", đặc biệt sau vụ việc liên qua đến phát hành trái phiếu của doanh nghiệp Vạn Thịnh Phát.
Theo SGI, rủi ro xảy ra khi nhà đầu tư đồng loạt muốn bán trái phiếu dù tốt lẫn xấu, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng bị hạn chế, nhà phát hành hoặc bảo lãnh không thể xoay sở nguồn tín dụng chính thống để mua lại. Thêm vào đó, lợi tức trái phiếu tăng nhanh khiến các quỹ trái phiếu thua lỗ nhanh càng tạo ra vòng xoáy nhà đầu tư rút ròng chuyển sang gửi ngân hàng để hưởng mức lãi suất cao. "Đây sẽ là giai đoạn tất cả các loại trái phiếu đều bị bán tháo", SGI cho biết.
Áp lực lãi suất tăng mạnh cũng sẽ làm tăng khả năng vỡ nợ, trước hết là các doanh nghiệp đến hạn trả nợ trái phiếu nhưng không thể hoàn thành nghĩa vụ và nhóm doanh nghiệp làm ăn yếu kém.
"Những doanh nghiệp này sẽ sớm xuất hiện trong danh sách nợ xấu của ngân hàng và tác động lây lan sang đối tác và cả cổ đông. Đây là giai đoạn ảnh hưởng tiêu cực từ lãi suất và tỷ giá tăng bắt đầu lan toả vào kinh tế thực và ảnh hưởng ngược lại hệ thống ngân hàng", SGI nhận định.
Ở một góc nhìn khác, sự ra đời của Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ trong tháng 9 vừa qua cũng góp phần định hướng lại thị trường. Việc quy mô phát hành bị thu hẹp đã được các chuyên gia nhìn nhận trước đó.
TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, Nghị định 65 có các quy định khá tương đồng với thông lệ quốc tế, nên khu vực phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có thể sẽ ngày càng thu hẹp lại cùng đó là sự dịch chuyển hẳn sang khu vực phát hành công chúng, nơi mà xếp hạng tín nhiệm phát huy được hiệu lực.
"Khi xếp hạng tín nhiệm phát huy được vai trò của thì mới có tiền đề để xây dựng thị trường thứ cấp. Nếu trái phiếu chỉ phát triển phía phát hành mà chưa phát triển thị trường thứ cấp thì không phải là công cụ vốn dài hạn tốt", TS Lê Xuân Nghĩa cho biết.
FiinRatings cũng cho biết, có thể phải từ năm sau thị trường sơ cấp mới có thể mạnh trở lại, do thị trường cần thời gian để làm quen với các chính sách mới của Nghị định 65 vừa ban hành và tâm lý nhà đầu tư trái phiếu được cải thiện.
Đáng nói, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại hơn 147 ngàn tỷ đồng trái phiếu, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021.