Thế giới đua nhau sản xuất phim và truyền hình
(DNTO) - Đại dịch toàn cầu khiến nhu cầu khán giả đối với các dịch vụ phát trực tuyến tăng mạnh. Năm 2020, ngành Điện ảnh và Truyền hình đã có mức tăng trưởng chưa từng có.
Với hàng loạt vụ sáp nhập phương tiện truyền thông gần đây, ngành Điện ảnh và Truyền hình đang có thay đổi mạnh mẽ với 4 xu hướng lớn.
Xu hướng 1: Các nền tảng mới phát trực tuyến tăng trưởng mạnh
Từ năm 2019-2020, số lượng đăng ký video trực tuyến toàn cầu tăng 26%, đạt 1,2 tỷ đăng ký. Theo Streamonomics Purely, ước tính đến năm 2025, lượng đăng ký sẽ đạt 1,6 tỷ trên toàn thế giới.
Song song với nhu cầu ngày càng tăng của khán giả, các nền tảng phát trực tuyến mới đang gia nhập thị trường với tốc độ nhanh chóng. Năm 2020 chào đón bốn nền tảng đăng ký video theo yêu cầu (Subscription Video on Demand - SVOD) mới: Apple TV, HBO Max, Peacock và Disney+.
Các nền tảng SVOD mới đã thu hút được lượng lớn khán giả trong một khoảng thời gian ngắn. Ví dụ: Disney+ đã đạt được hơn 100 triệu người đăng ký kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2020.
Ngoài các dịch vụ SVOD, các nền tảng quảng cáo video theo yêu cầu (AVOD) tạo ra doanh thu thông qua quảng cáo thay vì người đăng ký, cũng trở nên phổ biến. Một số dịch vụ đã xây dựng được lượng người xem lớn hơn so với các đối tác SVOD. Ví dụ: Nền tảng miễn phí IMDb TV của IMDb có 55 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, nhiều hơn số người đăng ký trả phí của Hulu.
Xu hướng 2: Tăng chi tiêu cho nội dung video
Khi nhiều nền tảng xuất hiện hơn và nhu cầu của khán giả tăng lên, chi tiêu cho sản xuất nội dung cũng tiếp tục tăng lên.
Năm 2020, chi phí để sản xuất và mua phim mới cũng như chương trình truyền hình tăng 16,5% so với năm 2019, đạt con số kỷ lục 220,2 tỷ đô la.
Tất cả chi tiêu này đến từ đâu? Thống kê cho thấy hơn 2/3 chi tiêu sản xuất toàn cầu vào năm 2020 đến từ Hoa Kỳ và Canada.
Bất chấp sự thống trị của Hollywood, điều đáng chú ý là các thị trường nhỏ hơn ở các khu vực như Mỹ La tinh, châu Phi và Trung Đông đã có mức tăng trưởng đáng kể vào năm 2020.
Xu hướng 3: Gia tăng chi tiêu sản xuất nội dung Indie (nhà sản xuất nội dung độc lập)
Với mức chi tiêu nội dung tổng thể ở mức cao nhất mọi thời đại, thị trường phim độc lập (Indie) cũng đang có sự tăng trưởng lớn. Trên thực tế, trong số hàng trăm tỷ USD chi cho sản xuất nội dung, hơn một nửa thuộc về các nhà làm phim độc lập.
Ước tính này bao gồm chi tiêu trực tiếp cho nội dung độc lập, cùng với tài trợ gián tiếp thông qua các thỏa thuận cấp phép và đồng tài trợ với các hãng phim lớn. Nói cách khác, những hãng như Disney và Warner Bros, về mặt kỹ thuật vẫn sản xuất nhiều nội dung nhất. Tuy nhiên, công việc sản xuất vẫn được các hãng này thuê ngoài, giao cho các nhà làm phim độc lập hoặc mua bản quyền nội dung độc lập để phân phối trên nền tảng trực tuyến của họ.
Nhìn chung, sản xuất nội dung độc lập đã tăng 25,3% vào năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Và sự tăng trưởng của các nhà sản xuất độc lập này có thể diễn ra tiếp tục đến năm 2021 và nhiều năm nữa, khi các nhà phân phối và các gã khổng lồ phát trực tuyến gấp rút lấp đầy các nội dung vốn được tiêu thụ mạnh do Covid-19 gây ra.
Xu hướng 4: Ngân sách truyền hình tiếp tục tăng vọt
Khi thị trường phát trực tuyến ngày càng nhiều cạnh tranh, các nhà sản xuất đang phải đối mặt với áp lực nâng cao giá trị sản xuất để có thể thu hút sự chú ý của khán giả.
Vào năm 2020, ngân sách cho một loạt phim truyền hình trung bình ở Hoa Kỳ là 59,6 triệu đô la, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những chương trình truyền hình có chi phí cao nhất năm ngoái là WandaVision, một loạt phim thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel, tiêu tốn của Disney khoảng 200 triệu USD (khoảng 25 triệu USD mỗi tập).
Bất chấp sự gián đoạn trong nhiều tháng do Covid-19 gây ra, ngành Điện ảnh và Truyền hình đã cho thấy khả năng phục hồi vào năm 2020. Nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu. Hiệp hội các nhà làm phim nhận định nhu cầu của khán giả sẽ còn tiếp tục tăng trong giai đoạn mới.