Thấy gì sau 10 ngày thực hiện “phạt khủng” về vi phạm giao thông
(DNTO) - Các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến nay đã 10 ngày. Bên cạnh những mặt tích cực được hầu hết người dân đồng tình, cũng còn một số ý kiến trái chiều nêu lên những bất cập đang được các cơ quan chức năng ráo riết khắc phục.
Nhiều cái được…
Tình trạng vi phạm giao thông đã cải thiện đáng kể, ngoài đường trật tự hơn. Nhiều người cho biết họ cảm thấy yên tâm hơn khi ra đường, không còn hồi hộp lo sợ tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, bất thình lình đối đầu với xe ngược chiều hay xe vượt đèn đỏ… Có những nơi được ghi nhận, mặc dù trời đã tối, chỉ còn lác đác vài xe qua lại nhưng tình trạng vượt đèn đỏ cũng không xảy ra.
Cái được trước mắt là nhanh chóng nâng cao ý thức và thay đổi thói quen xấu của người tham gia giao thông nhất là các bạn trẻ. Vì lo lắng mất tiền “khủng” nên hầu hết họ ý thức, quyết tâm từ bỏ thói quen xấu như lấn làn, leo lề, “tranh thủ” đèn giao thông vọt xe thật nhanh khi đang vàng… thường gặp trước đây.
Ngay cả chuyện đi "bão" ăn mừng đội tuyển Việt Nam vô địch ASEAN Cup 2024 cách đây ít ngày, đa số tín đồ bóng đá cũng chấp hành tín hiệu giao thông nghiêm túc. Đồng thời cũng cho thấy tính kịp thời khi giáp Tết là thời điểm có nhiều tai nạn xảy ra trong năm.
Những thông tin liên quan đến các trường hợp vi phạm bị phạt được các hội nhóm trên mạng xã hội chia sẻ, tạo nên sức lan tỏa và hiệu quả cảnh giác rất lớn.
Nhiều cư dân mạng còn đùa rằng: "Đúng là vật chất quyết định ý thức"...
Nhưng vẫn còn bất cập
Ý thức chấp hành luật giao thông, từ bỏ thói quen xấu cho dù được hình thành do mức phạt “khủng” cũng là một thành công bước đầu đáng kể của việc nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc mà bà con chưa “tâm phục khẩu phục”, tập trung trong các vấn đề chính:
* Tình trạng kẹt xe rất khủng khiếp được người dân cho là: Do bề rộng mặt đường nhiều nơi ở thành phố còn hẹp, mật độ lưu lượng đông, nay với tình trạng quy định không được phép rẽ phải - cộng thêm tổ chức điều tiết giao thông còn khập khiễng so với quy định mức phạt…
Để giải quyết những lo lắng trên của người dân, lực lượng chức năng TP.HCM đã cho triển khai lắp đặt tín hiệu cho xe máy rẽ phải khi đèn đỏ, hiển thị bằng mũi tên màu xanh kèm theo biểu tượng xe máy tại 50 giao lộ khu vực trung tâm TP.HCM.
Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM, sau khi lắp đặt xong loạt đèn tín hiệu mới, đơn vị sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung lắp đặt thêm tại các giao lộ khác nếu cần thiết.
Trước mắt là vậy, còn sắp tới, theo Sở GTVT TP.HCM thì "Đơn vị đang rà soát để triển khai lắp đặt bổ sung các đèn giao thông cho phép một số phương tiện được phép rẽ phải, rẽ trái tại một số giao lộ trên địa bàn". Đồng thời Phòng CSGT Công an TP.HCM cũng cho biết sẽ rà soát tình trạng hoạt động của các trụ đèn tín hiệu giao thông, kiểm tra các vạch kẻ đường… để có hướng xử lý.
* Nhiều ý kiến cho rằng, đối với các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội, cần phải phân luồng, điều tiết phù hợp, hoặc cho phép rẽ phải khi đèn đỏ như trước kia ở những giao lộ không gây mất trật tự và an toàn giao thông. Với mỗi địa phương cần có cách tổ chức giao thông phù hợp với hạ tầng cơ sở địa phương đó. Mấy hôm nay nhìn cảnh tượng kẹt xe trầm trọng khi phải di chuyển ngoài đường khiến người dân cảm thấy vô cùng mệt mỏi và ám ảnh. Nhiều đoạn đường được người dân quay lại và thốt lên "tê liệt hoàn toàn" với dãy xe dài bất tận mới thấy sự bất cập.
* Mối băn khoăn tiếp theo có tính chất nhân văn hơn, liên quan đến nghị định 176/2024 của Chính phủ cho phép Bộ Công an chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông. (Nói nôm na là ai cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng các trường hợp người dân vi phạm giao thông sẽ được thưởng)
Ngay lập tức, gặp ngay sự phản kháng của người dân. Nhiều người cho rằng việc làm này triệt tiêu tinh thần tương thân tương ái, lòng vị tha, đùm bọc vốn có của dân ta, tập cho người ta thói xấu vì đồng tiền đi "núp lùm" rình rập người khác. Một số người còn hài hước châm biếm gọi đó là “thợ săn” là nghề mới, quay clip chia sẻ hình ảnh người cầm điện thoại đứng chụp hình, quay phim ở các trụ đèn đỏ với các tư thế khó coi.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây chỉ là khoản thưởng mang tính động viên khích lệ, chứ không thể là một “nghề” kiếm tiền. Bởi lẽ để được hưởng số tiền 10% như quy định, người cung cấp tin phải chịu sự kiểm duyệt của CSGT, bao gồm thiết bị quay có chuyên dụng, có tem kiểm định không, sản phẩm có cắt ghép không… Hơn nữa khi người dân chấp hành triệt để luật giao thông thì cũng không có nhiều trường hợp vi phạm để có thể “hành nghề”.
“Những gì chúng ta đang làm cũng tương tự như ở các nước. Bắt đầu muộn nhưng chúng ta rồi cũng sẽ tới đích nếu kiên trì với chính sách, biện pháp đề ra”, theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện.