TGĐ Global Home: Ban quản lý chung cư là nòng cốt phòng, chống dịch tại cơ sở

(DNTO) - Nhận định vai trò của ngành quản lý vận hành toà nhà chung cư hiện chưa nhận được những hỗ trợ trong phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng dân cư, ông Nguyễn Duy Thành - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Nhà Toàn Cầu (Global Home) đã chia sẻ vấn đề này cùng Doanh Nhân Trẻ.
Doanh Nhân Trẻ xin lược đăng các ý kiến và giải pháp của ông Nguyễn Duy Thành - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Nhà Toàn Cầu (Global Home):
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng trong các khu ở tập trung, đặc biệt là các khu chung cư.
Tình trạng các ca lây nhiễm ngày càng tăng cao, đặc biệt tại khu vực TP.HCM. Hiện nay có rất nhiều khu chung cư, tòa nhà sinh sống tập trung đã bị phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội trong thời gian dài.
Các ban quản lý trở thành nguồn nhân sự nòng cốt trong việc kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên, họ đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể:
- Không được các cấp chính quyền địa phương và Sở Y tế thừa nhận là đơn vị hỗ trợ chính thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh; kiểm soát 5K.
- Không được ưu tiên tiêm phòng vaccine.
- Không có các chính sách cụ thể hỗ trợ các ban quản lý chung cư đang vận hành và các ban quản lý chung cư đang bị cách ly hiện nay.
- Các ban quản lý chung cư gặp nhiều khó khăn khi đi làm bởi các chốt kiểm soát xem họ thuộc ngành không thiết yếu nên không được ra đường. Thậm chí, có nguy cơ bị phạt vì ra đường không đúng mục đích chính đáng.
- Nhân sự ban quản lý bị cách ly tại địa phương không đến được nơi làm việc.
- Nhân sự ban quản lý bao gồm kỹ thuật, bảo vệ, vệ sinh (thường xuyên mặc đồ bảo hộ y tế làm việc) phải tập trung làm việc tại các khu chung cư, chấp nhận ăn ngủ tại khu chung cư nhưng không có điều kiện sinh sống phù hợp (do văn phòng các ban quản lý không thiết kế nơi ăn, ngủ cho đội ngũ này ở lại chung cư).
Khi có trường hợp nghi nhiễm F1, thậm chí F0, tại chung cư, ban quản lý gặp rất nhiều lúng túng trong công tác xử lý, ngăn chặn nguồn lây bệnh.
Điển hình, ngày 19/7, người dân sống tại chung cư D-Vela (quận 7, TP.HCM) vừa nhận được thông tin chính thức từ ban quản lý chung cư thông báo: Có 15 thành viên trong ban quản lý đã mắc Covid-19.
Sự việc không chỉ thu hút sự quan tâm của cư dân tại tòa nhà mà còn của rất nhiều người dân sống trong các chung cư nơi đây. Bởi các ban quản lý chính là nơi tổ chức phòng, chống Covid-19 cho các chung cư, cũng như quản lý, điều hành các sinh hoạt tại đây.
Nhiều nước trên thế giới xem trọng vai trò của các ban quản lý chung cư trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Họ được thừa nhận chính thức là lực lượng hỗ trợ trong các khu chung cư, các khu tập trung đông người.
Từ những thực trạng nêu trên, tôi cho rằng cần có văn bản pháp lý chính thức thừa nhận các ban quản lý chung cư tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.
Chính quyền địa phương ra quyết định thành lập tổ phòng, chống dịch tại các khu chung cư. Quản lý chung cư phải được xem là ngành nghề thiết yếu, cần được ủng hộ và hỗ trợ của địa phương; được ưu tiên tiêm phòng vaccine.

Các ban quản lý chung cư được phép sử dụng camera, hình ảnh, clip ghi hình cư dân vi phạm 5K chuyển chính quyền địa phương làm bằng chứng phạt điển hình. Bắt buộc cư dân cài ứng dụng Bluezone, khai báo y tế điện tử khi ra/ vào chung cư.
Ban quản lý nhận thanh toán các khoản phí bằng hình thức không dùng tiền mặt, qua ứng dụng quản lý vận hành (eHome). Không tiếp xúc gần cư dân tại văn phòng ban quản lý. Ưu tiên các giao tiếp qua điện thoại và các ứng dụng giao tiếp khác. Được phép chế tài (khoá thẻ thang máy, cô lập căn hộ,…) những ca nghi nhiễm F0, F1, chờ đơn vị có trách nhiệm đến giải quyết.
Ban hành cẩm nang hướng dẫn cụ thể các ban quản lý, ban quản trị và cư dân biết để thống nhất quy trình kiểm soát dịch bệnh tại các khu chung cư trong phạm vi áp dụng của tỉnh, thành và cả nước, phù hợp với từng giai đoạn kiểm soát dịch bệnh.

Ảnh minh họa
Lập riêng đường dây nóng cho các ban quản lý liên hệ khi có trường hợp nghi mắc Covid-19. Thực tế, có nhiều ban quản lý lúng túng không biết xử lý như thế nào khi phát hiện ca nghi nhiễm. Các số hotline của chính quyền thì khó kết nối hoặc không liên lạc được.... gây nên tâm lý người nghi nhiễm trong chung cư hoang mang, phát tán ra cộng đồng.
Cấp ngân sách hỗ trợ các ban quản lý tham gia đồng hành chống dịch tại các khu chung cư, góp phần tạo an toàn cộng đồng và địa phương, vì cư dân trong các toà chung cư có đa dạng ngành nghề, hành trình di chuyển, tiếp xúc phức tạp khó truy vết.
Trên đây là những giải pháp thiết thực mà Việt Nam nên áp dụng ngay trong giai đoạn dịch bệnh đang bùng phát mạnh, đặc biệt tại TP.HCM, Biên Hoà (Đồng Nai), Bình Dương, Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu),…, nơi có mật độ dân đông đúc trong các khu chung cư.