'Tắc' vốn ngân hàng, giải bài toán tái cấu trúc nguồn vốn cho doanh nghiệp như thế nào?
(DNTO) - Khi tín dụng ngân hàng chỉ là một “khe cửa” hẹp chứ không hoàn toàn là con đường rộng mở, theo đó, bài toán tái cấu trúc, tìm dòng vốn bền vững để vượt qua khó khăn hiện tại đang là vấn đề sống còn với doanh nghiệp.
Hiện nay, để tăng sức cạnh tranh với hàng hóa các nước, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng cần thực hiện việc tái đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đặc biệt ở giai đoạn nước rút của năm 2022.
Song, khó khăn trong huy động nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh lại đang là nỗi đau đầu của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ hội được tiếp cận vốn ngân hàng còn xa vời vợi bởi ngân hàng nào cũng đều yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Suốt 2 năm Covid-19, đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều hoạt động không có lãi, hồ sơ tài chính không đảm bảo, dẫn tới không thể vay được nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Thậm chí còn có nhiều ý kiến từ doanh nghiệp phản ánh rằng, Nhà nước hỗ trợ 2% lãi suất nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận được chính sách này. Lý do là chính các ngân hàng cũng không muốn và không dám cho vay vì nhiều bất cập. Thêm nữa, tình trạng nợ xấu gia tăng cũng đang khiến các ngân hàng thương mại trở nên chặt chẽ hơn, thậm chí là giảm hạn mức cho vay do quan ngại thu nợ chậm...
Đó là lí do khiến thời gian gần đây, bắt đầu xuất hiện những doanh nghiệp quy mô lớn nợ lương, phải cắt giảm nhân sự, co cụm bộ máy nhằm tiết giảm chi phí, thậm chí có doanh nghiệp, để có dòng tiền duy trì hoạt động phải vay “nóng” bên ngoài với lãi suất cao do không huy động được vốn từ các kênh chính thống.
Đơn cử, ông Nguyễn Công Bằng, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo tại Hà Nội – xuất khẩu sang Campuchia và Lào - cho rằng trong nhiều năm qua, doanh nghiệp của ông rất khó trong tiếp cận vốn ngân hàng để mở rộng và tái đầu tư.
“Phần lớn là chúng tôi phải đi vay bạn bè và người thân thì mới đủ vốn, và chúng tôi chỉ có thể vay ngân hàng được khoảng 20% nhu cầu vốn do nhiều thủ tục và yêu cầu rườm rà về thế chấp tài sản. Do vậy, dù rất muốn mua sắm thiết bị hiện đại, nhưng chúng tôi không có nhiều vốn để đầu tư. Thậm chí hiện nay, chúng tôi vẫn đang quay vòng vốn vay”, ông Bằng nói.
Còn theo bà Nguyễn Thị Tuất, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Ngọc, chuyên kinh doanh mặt hàng gạo tại Hà Nội, trung bình mỗi ngày bà phải thanh toán khoảng 500 triệu đồng cho các nhà cung cấp gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long.
“Tuy nhiên, nhiều khách hàng của chúng tôi tại Hà Nội, như các trường học và nhà hàng, lại đang thanh toán rất chậm, dù hợp đồng cung ứng gạo đã được ký kết vài tháng trước. Do vậy, chúng tôi phải xoay bằng mọi cách – hoặc là xin các nhà cung ứng phía Nam được trả chậm và chấp nhận nộp phạt, hoặc là đi vay tiền ở các cá nhân, bạn bè – để thanh toán đủ tiền cho đối tác”, bà Tuất trần tình.
Nhìn chung, xu thế thâm dụng vốn đang tăng trở lại ở nhiều ngành kinh tế Việt Nam, đặc biệt, đối với ngành bất động sản và xây dựng niêm yết, nếu như năm 2021 nợ chỉ chiếm 70% nguồn vốn, thì 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng lên 73%.
Hoạt động của doanh nghiệp bất động sản có đặc điểm sử dụng vốn lớn, trong đó chủ yếu là vốn vay, vòng quay vốn chậm. Vốn ngân hàng chiếm đến 70% giá trị vốn bất động sản, thời hạn thu hồi bình quân 10 năm, cao gấp 4 lần các ngành sản xuất kinh doanh nên nó có tác động gấp 3 - 4 lần so với các ngành khác cùng khoản vay.
Tìm cách thoát ly khỏi "bầu sữa" ngân hàng
Trong bối cảnh hiện nay, áp lực tài chính đang là vấn đề khá “nhức nhối” đối với các doanh nghiệp. Tìm vốn ở đâu để phát triển và tiếp tục các kế hoạch đầu tư năm 2022 lẫn trung, dài hạn, đang là bài toán sống còn với doanh nghiệp.
Nêu giải pháp huy động vốn bền vững, chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, đối với ngành sản xuất kinh doanh, khi công ty gặp khó khăn phải kiểm tra lại các nguồn vốn, xây dựng chuỗi cung ứng giá trị để giảm nhu cầu vốn của các công ty. Mô hình công ty cổ phần đại chúng cũng có thể sẽ hữu ích.
"Từ đó, giúp cho việc huy động vốn được trở nên thuận lợi. Hay, việc chuẩn hóa hoạt động kinh doanh, minh bạch tài chính cũng có thể là giải pháp giúp việc tiếp cận vốn, lãi suất tốt từ khoảng 6 - 7% từ các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam", ông Hiển phân tích.
Riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần xây dựng chiến lược trong các giai đoạn phát triển cụ thể, có phân kỳ đầu tư hợp lý. Nên sử dụng dịch vụ thuê ngoài và tăng cường liên kết, hợp tác hoặc chọn mô hình công ty cổ phần và thuê tư vấn chuyên nghiệp để mời gọi đối tác đầu tư tài chính. Ngoài ra, phát triển công ty trong nền kinh tế 4.0 để tạo ra hệ sinh thái và cộng đồng đầu tư kết nối.
‘‘Quỹ đầu tư kết nối cộng đồng và các mô hình fintech gọi vốn, cho vay ngang hàng (P2P) là những nguồn tài chính phù hợp với các DN SMEs quản trị minh bạch” – TS. Đinh Thế Hiển nói.
Ngoài ra, để quản lý dòng tiền khéo léo, doanh nghiệp có thể sử dụng hình thức “bao thanh toán”, "'bảo hiểm tín dụng", vì nó có thể bao gồm các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như đánh giá tín dụng của người mua, quản lý sổ cái và bảo lãnh.
"Đây là phương thức quản lý rủi ro kịp thời khi bao gồm dịch vụ đánh giá tín dụng khách hàng, cập nhật thông tin thị trường xuất khẩu - bảo lãnh lên đến 90% cho những rủi ro chính trị dẫn đến việc khách hàng không thể thanh toán, khách hàng thanh toán chậm hoặc mất khả năng thanh toán...", các chuyên gia nhận định.
Chuyên gia kinh tế tài chính TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, tiết giảm chi phí, giữ lao động, tăng năng suất và áp dụng mô hình 6Rs. “Mô hình 6Rs chính là respond - thích ứng, linh hoạt; recover - phục hồi càng nhanh càng tốt; restructure -tái cấu trúc; re-invent - đổi mới, sáng tạo; risk management - quản lý rủi ro và resilience - tăng sức đề kháng, hay nói cách khác là khả năng chống chịu các cú sốc".
"Quan trọng nhất là phải đa dạng hóa nguồn vốn. Ngoài tín dụng và trái phiếu, doanh nghiệp cần lưu tâm, linh hoạt huy động vốn từ các kênh khác như: Chào bán cổ phần, phát hành cổ phiếu, quỹ đầu tư, quỹ REIT, thuê tài chín…
Cùng với đó, doanh nghiệp phải chuẩn bị một mô hình kinh doanh với mức tăng trưởng hấp dẫn. Các doanh nghiệp phải hoàn thiện mình, hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp hơn, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết,… Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể, quan tâm quản lý rủi ro tài chính lãi suất, tỷ giá, dòng tiền….", ông Lực chỉ rõ.
Một tín hiệu đáng mừng là hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo thông tư quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh. Thông tư này khi ban hành sẽ thay thế Thông tư 12/2014/ TT-NHNN.
Một trong những điểm đáng chú ý trong quan điểm xây dựng thông tư thay thế Thông tư 12 là kiểm soát tổng mức vay nước ngoài với các khoản vay theo hình thức tự vay tự trả đảm bảo nằm trong tổng hạn mức hàng năm, qua đó đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài quốc gia.
Theo đó, các quy định được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu khảo sát kinh nghiệm quản lý nợ nước ngoài của một số quốc gia có điều kiện tương đồng và phù hợp với các khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đề xuất sẽ áp dụng đối với Việt Nam. Hy vọng đây sẽ là bệ đỡ hữu hiệu cho doanh nghiệp "vượt cạn" trong bối cảnh đầy rủi ro như hiện nay.