Doanh nghiệp đối phó với 'rủi ro kép' khi lãi vay đang chịu sức ép lớn dần
(DNTO) - Còn đang chật vật với hàng loạt khó khăn do dịch bệnh, lạm phát, thì gần đây lãi suất cho vay của các ngân hàng lại đua nhau tăng với cả khoản vay mới lẫn cũ, làm cho các doanh nghiệp càng khó khăn hơn gấp bội. Con đường phục hồi chưa bao giờ chông chênh đến thế.
Nhu cầu vốn 'kích' lãi suất cho vay nóng lên
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng đến hết tháng 7/2022 tăng 9,42% so với đầu năm, tương đương mức tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trái lại, tăng trưởng huy động chỉ đạt 4,2% so với đầu năm, tương đương tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, yếu tố giảm áp lực vốn là nhiều ngân hàng đã tạm hết hạn mức tăng trưởng tín dụng. Thực tế là đà tăng lãi suất huy động có thể chậm dần. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng liên tiếp sử dụng nghiệp vụ rút tiền đồng về. Bên cạnh đó, áp lực giá cả chưa rõ ràng, đà lạm phát vẫn tăng nhanh, có thời điểm tăng 0,7%.
Như vậy, chênh lệch giữa huy động vốn và tín dụng tiếp tục giảm mạnh. Hiện đã xuống mức âm trong tháng 7/2022. Điều này tạo áp lực lớn lên mặt bằng lãi suất huy động.
Câu hỏi đặt ra là áp lực vốn có tác động như thế nào tới lãi suất và doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đang dần phục hồi?
Chuyên gia tài chính, ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực nhận định, dù giá xăng dầu đã có kỳ giảm thứ tư liên tiếp, thậm chí còn giảm sâu hơn, nhưng áp lực lạm phát còn lớn, khiến lãi vay vẫn chịu sức ép tăng trong khoảng 3,8-4,2%.
Đồng thời, lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục tăng khi tỷ lệ tổng vay trên tiền gửi đạt gần 100%, khiến cho các Ngân hàng thương mại đang có áp lực phải huy động vốn, dẫn đến cạnh tranh tăng lãi suất huy động.
"Giai đoạn cuối quý I và đầu quý III/2022, các ngân hàng đã lần lượt điều chỉnh biểu lãi suất huy động để chuẩn bị cho việc thực hiện quy định trên. Các ngân hàng có vốn nhà nước cũng tham gia vào đợt điều chỉnh lãi suất này. Hiện, tại khối ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tăng 0,1% lên 3,1%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng lên mức 3,4%/năm và 12 tháng lên mức 5,6%/năm", ông Lực thông tin.
Trước đó, từ tháng 6 lãi suất liên ngân hàng có dấu hiệu đi lên và bắt đầu tăng mạnh từ ngày 18/7 khi ngân hàng nhà nước liên tục thực hiện rút tiền trên thị trường mở bằng cách phát hành tín phiếu và thực hiện các hợp đồng bán USD.
Hiện tại, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đang quay lại bằng mức cao nhất của năm 2019 (tháng 1 là 5,23%/năm và tháng 8 là 5,08%/năm). Từ ngày 27/7, lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ khi ngân hàng nhà nước đã bơm ra khoảng 58.400 tỷ đồng, bao gồm 46.000 tỷ đồng qua kênh thị trường mở (OMO) và gần 13.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu đáo hạn. Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng vẫn neo ở mức rất cao. Vào thời điểm cuối tháng 7, lãi suất kỳ hạn qua đêm lên tới 4,2%/năm so với 0,96%/năm vào ngày 18/7.
Như vậy, lãi suất cho vay cũng đang nóng dần lên. Cụ thể, mới đây Vietcombank đã điều chỉnh lãi suất huy động theo kỳ hạn, cũng “bật đèn xanh” cho điều chỉnh tăng lãi vay thêm 0,1 - 0,2 điểm phần trăm. Trước đó, BIDV và Agribank cũng có bước điều chỉnh lãi suất tăng 0,1 điểm phần trăm ở các kỳ hạn dài... Điều đáng nói ở đây, các ngân hàng Big 4 đều có vốn sở hữu và chi phối của ngân hàng nhà nước, việc các ngân hàng này tăng lãi suất, luôn được xem là tín hiệu đi trước cụ thể nhất của nhà điều hành.
Việc lãi suất cho vay tăng đang tạo áp lực rất lớn đến cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ. Hiện nay, doanh nghiệp đã bắt đầu dần phục hồi “sức khỏe” nhưng chưa thể trở lại bình thường so với giai đoạn trước dịch bệnh. Đáng lo ngại, vừa vượt qua “cơn bão” Covid-19, các doanh nghiệp chưa kịp hoàn hồn thì giá xăng dầu, nguyên liệu, logistics… thi nhau tăng cao đến chóng mặt. Nay "bồi' thêm lãi suất cho vay của các ngân hàng lại đua nhau tăng, càng tạo thêm sức ép tài chính cho các doanh nghiệp, điều này khiến họ khó phục hồi nhanh hậu đại dịch.
Kỳ vọng ở 'phao cứu sinh' 2%?
Để "trợ lực" cho doanh nghiệp, mới đây, tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp có chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững", ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SEM), kiến nghị Chính phủ thực hiện việc cấp bù lãi suất 2% và bố trí hợp lý để thúc đẩy các ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó chú trọng các khoản vay tín dụng xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, đổi mới sáng tạo, công nghiệp phụ trợ, chế biến chế tạo, chuỗi liên kết.
Đồng thời, kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế đến hết năm 2023 gắn với việc cải cách trình tự, thủ tục thuế, chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi, qua đó hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao. ..
Trong bối cảnh hiện nay, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% lãi suất, có ý nghĩa hết sức quan trọng, được ví như “chiếc phao cứu sinh” của doanh nghiệp và người dân để phục hồi sản xuất.
Tuy nhiên, sau hơn 6 tháng triển khai, tính đến thời điểm này mới có gần gần 550 khách hàng được hỗ trợ, với số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỉ đồng. Đây là con số rất đáng suy nghĩ. Độ trễ của chính sách khiến nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay chưa tiếp cận được gói hỗ trợ này.
Để gói hỗ trợ này không còn nằm trên giấy, cần xem xét kéo dài thời gian thực thi cũng như cắt giảm các thủ tục làm khó doanh nghiệp.
Một số chuyên gia thì cho rằng, các gói cho vay hỗ trợ từ trước đến nay quy mô rất "khủng" nhưng giải ngân lại rất thấp là do các nhà băng "vừa làm vừa lo", vì vậy họ không mặn mà với những gói vay này. Nếu muốn triển khai những gói hỗ trợ lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách rõ ràng hơn cho các ngân hàng thương mại. Có thể quy định chi tiết đối tượng được vay hoặc bảo lãnh nếu có rủi ro thì Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ.
Trong một động thái nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gần đây đã giao Ngân hàng Nhà nước sớm thành lập một số Đoàn công tác để tiến hành khảo sát tình hình triển khai thực hiện của các ngân hàng thương mại, nắm bắt các vấn đề đặt ra trong thực tiễn để kịp thời có các biện pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc của cơ sở.
Trong khi đó, phát biểu tại buổi làm việc với Ngân hàng nhà nước cách đây ít hôm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm tính hiệu quả trong thời gian triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đến hết năm 2023). Nếu có khó khăn, vướng mắc cần làm rõ lý do, trường hợp cần thiết sửa đổi quy định, cần khẩn trương nghiên cứu đề xuất kịp thời...
Với những động thái quyết liệt như vậy, chung ta hy vọng rằng những khó khăn sẽ sớm được giải quyết, doanh nghiệp sẽ nhận được “những chiếc phao cứu sinh” kịp thời, đúng lúc.