Sử dụng margin thế nào để không 'cháy' tài khoản?
(DNTO) - Vay margin liên tục tăng cao tại các công ty chứng khoán liệu có đáng lo ngại và nhà đầu tư, nhất là các F0, nên sử dụng đòn bẩy tài chính này thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?
''Không nên nhìn vào con số tuyệt đối''
Theo thống kê của FiinTrade, ở thời điểm cuối tháng 6 vừa qua, tỉ lệ dư nợ margin/quy mô vốn hóa freefloat khoảng 6,7% tổng giá trị vốn hóa điều chỉnh trên hai sàn HOSE và HNX. Tỷ lệ này so với quý 1 đã tăng 1 điểm phần trăm, và được đánh giá là cao so với các thị trường trong khu vực.
Mặc dù chưa có những thống kê cụ thể trong quý 3 này, tuy nhiên theo báo cáo FiinPro Digest #9 vừa công bố trong tháng 9, xu hướng vay margin sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh nhiều công ty chứng khoán đã và sẽ tăng vốn. FiinPro cho biết, dự kiến margin sẽ tăng thêm là 18,8 ngàn tỷ trong năm nay, và ''điều này sẽ cho phép các công ty chứng khoán tăng trần vốn vay (thêm tối đa là 24 nghìn tỷ đồng) để phục vụ hoạt động cho vay margin, giúp tăng lợi nhuận đột biến''.
Phát biểu trong buổi tọa đàm về chứng khoán diễn ra ngày 30/9, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng của công ty MBS cho biết, hoạt động sử dụng đòn bẩy tài chính trên thị trường chứng khoán là cách phổ biến trên thế giới không chỉ riêng Việt Nam. Vay margin của các công ty chứng khoán hiện đang ở mức cao nhưng theo ông, điều này không quá lo lắng.
''Chúng ta không nên nhìn vào con số tuyệt đối, dễ dẫn đến sự thiên lệch. Chúng ta cần so sánh với quy mô hiện và thanh khoản thị trường hiện tại. Thanh khoản thị trường gấp 3 - 4 lần năm 2020, thậm chí gấp 5 lần 2019. Số lượng tài khoản cao hơn rất nhiều. Do đó con số margin tuyệt đối sẽ cao hơn", ông Tuấn nhận định.
Và theo ông nếu so sánh với các tiêu chí như vốn hóa và thanh khoản thị trường thì tỷ lệ cho vay margin trên thị trường là hài hòa và chưa có gì quá cao và rủi ro để phải quan ngại.
Hai nguyên tắc sử dụng margin
Sử dụng margin được nhiều nhà đầu tư ví như dùng ''con dao hai lưỡi'', do đó phải làm sao sử dụng cho chuẩn và phù hợp là quan trọng.
Theo ông Đặng Trần Phục – Chủ tịch HĐQT Công ty AZ Fin Việt Nam, các nhà đầyu tư khi sử dụng margin cần xem xét hai nguyên tắc sau: Thứ nhất, nhà đầu tư cần xác định xem mình có hiểu biết nhiều về thị trường hay không? Nếu nhà đầu tư tự tin hoàn toàn thì có thể dùng theo một tỷ lệ nhất định.
Thứ hai liên quan đến vấn đề định giá thị trường. Với nhà đầu tư ngắn hạn, việc sử dụng margin sẽ dựa vào sự sôi động của thị trường chứng khoán và sử dụng rất nhanh. Tuy nhiên, với nhà đầu tư dài hạn, họ cũng dùng margin nhiều tuy nhiên lại dựa vào các tiêu chí: Sự định giá của thị trường về cổ phiếu đó có hấp dẫn không? Dòng tiền hàng tháng ra sao và cổ tức mà cổ phiếu mang lại như thế nào? Họ sẽ luôn biết cách để đảm bảo sự cân đối để ngay cả khi thị trường đi xuống cũng không bị ảnh hưởng nhiều.
"Chỉ có an tâm trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính thì nhà đầu tư mới đạt được hiệu quả nhất định", ông Phục nhấn mạnh.
Nếu nhà đầu tư rơi vào cảnh đã không có tiền nhiều, kiến thức với thị trường còn ''mỏng'', lại đi vay để đầu tư cổ phiếu thì rủi ro vô cùng lớn. "Các tỷ phú, triệu phú thành công là do sử dụng đòn bẩy tài chính tốt, nhưng quan trọng là họ dựa trên nền tảng của mình. Vì vậy nhà đầu tư phải để ý đến nền tảng tài chính của cá nhân và sự am hiểu thị trường", ông Phục cho biết.
Với các nhà đầu tư F0, đại diện của AZ Fin Việt Nam nhấn mạnh, nhà đầu tư không nên vay margin, bởi chưa đủ sức đánh giá thị trường, chưa đủ hiểu biết về cổ phiếu mình rót tiền. Lý giải về điều này, ông Phục cho biết: "Với nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ đạt được lợi suất khá cao trên 20-40%, nên lãi margin không phải là vấn đề với họ. Với nhà đầu tư mới, kỳ vọng trên thị trường ít thôi nhưng lãi margin đến 12-14% thì có thể giết chết họ".
"Nhà đầu tư F0 cần dùng tiền mặt. Khi chắc chắn hãy dùng margin và cần tư vấn của các chuyên gia", ông Phục khuyến nghị.