S&P 500 đã đi xuống trong 5 ngày liên tiếp
(DNTO) - Thị trường chứng khoán Mỹ đã trong tình trạng vất vưởng, yếu ớt mấy ngày vừa qua, khi các nhà đầu tư đang tìm cách dự đoán đường lối điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Nối tiếp xu hướng của những ngày vừa qua, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục theo đà đi xuống trong phiên giao dịch cuối ngày 7/12 - kết thúc vào 4g30 sáng 8/12, giờ Việt Nam. Các thông số kinh tế mạnh hơn dự đoán đã làm dấy lên nỗi lo về lãi suất tiếp tục tăng cao, nền kinh tế trì trệ vào năm 2023 tới.
Chỉ số S&P 500 đã mất 7.34 điểm, bằng 0,2%, xuống còn 3933.92. Tuy thuyên giảm nhẹ nhưng đây đã là ngày thứ năm liên tiếp chỉ số S&P 500 không thể “ngóc đầu” lên được. Chỉ số tập trung ngành công nghệ Nasdaq Composite rớt 56.34 điểm, tương đương 0,5%, chạm mức 10958.55. Dow Jones Industrial Average đã thêm được 1.58 điểm, chỉ 0,1%, lên thành 33597.92.
Một loạt các thông số dữ liệu kinh tế đã được tung ra vào thứ Hai và thứ Sáu vừa qua, cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn còn "cứng đầu" mạnh mẽ. Tuy đây là tin khả quan, chúng lại dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất lên cao để làm chậm nền kinh tế, đồng thời kìm hãm lạm phát.
Tuần trước, với nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát có vẻ như đang chậm lại, Fed đã lên tiếng gợi ý họ sẽ giảm tỷ lệ tăng lãi suất xuống chỉ còn 0,5% trong tháng 12. Thị trường chứng khoán đã có một đợt tăng chóng vánh ngay sau đó. Nhưng đến nay, nhiều nhà đầu tư cho rằng hy vọng đó đã là quá ảo tưởng.
“Tôi cược là suy thoái kinh tế sẽ diễn ra vào nửa năm sau. Fed sẽ không thể cắt giảm lãi suất do lạm phát sẽ giữ mức cao hơn 2% cho đến tận cuối năm 2023”, theo Ron Temple, Giám đốc chiến lược thị trường tại Lazard.
Edward Park, Giám đốc đầu tư thuộc hãng đầu tư vốn Anh Quốc Brooks Macdonald, nhận xét: Fed cũng đã rất mờ hoặc trong việc công bố đường lối điều chỉnh chính sách tiền tệ, dẫn đến thị trường chứng khoán phản ứng thất thường.
Tuần tới sẽ có một cuộc họp của Fed và một loạt các dữ liệu lạm phát mới, chắc chắn sẽ đưa ra “bức tranh” rõ ràng hơn cho tương lai của lãi suất cho vay.
Trong thị trường trái phiếu, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm 3,407%, xuống từ mức 3,512% của hôm qua. Trái phiếu kỳ hạn 2 năm đứng ở mức 4,256%. Lãi suất và giá trái phiếu di chuyển trái ngược nhau.
Tình cảnh lãi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn cao hơn lãi suất trái phiếu kỳ hạn lâu năm được giới đầu tư Phố Wall xem là dấu hiệu cảnh báo cho suy thoái kinh tế đến gần. Các nhà đầu tư và quan chức lo ngại Fed đã thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức, gây tổn thương nền kinh tế Mỹ.
Một chủ đề cũng được chú ý trong giới đầu tư là ảnh hưởng chậm của việc tăng lãi suất cho vay. Ảnh hưởng thật sự từ nỗ lực của Fed đến với thị trường cũng như lạm phát, có thể sẽ mất một thời gian để bắt đầu có hiệu lực.
Trên thị trường châu Âu, chỉ số xuyên lục địa Stoxx Europe 600 đi xuống 0,6%.
Tại châu Á, các chỉ số chứng khoán đã mất điểm trong ngày. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông mất 3,2% và chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc kết thúc phiên giao dịch thấp hơn 0,4%. Tuy chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng chính sách chống dịch Covid-19, những áp lực từ nhu cầu sản xuất tích tụ trong thời gian qua sẽ gây áp lực rất lớn đến nền kinh tế nước này - theo Edward Park của Brooks Macdonald.