Siêu thị điện máy đã qua thời hoàng kim
(DNTO) - Hứng chịu nhiều tác động từ dịch bệnh, các hệ thống siêu thị điện máy chật vật sinh tồn giữa những khó khăn chung.
Hiện nay, thị phần bán lẻ điện máy chủ yếu tập trung ở ba ông lớn là Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim và Điện máy Chợ lớn. Trong đó, theo hãng nghiên cứu thị trường GfK, hệ thống Điện Máy Xanh của Thế Giới Di Động đã bỏ xa các đối thủ còn lại trong cuộc đua thị phần.
Cũng không thể quy hết trách nhiệm cho Covid-19 với sự sa sút này, thực tế là, từ trước khi bùng phát đại dịch, đã có nhiều "ông lớn" phải ngã ngựa.
Trong 5 năm trở lại đây, thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt tên tuổi lớn biến mất khỏi thị trường. Cụ thể, thị trường đã chứng kiến cảnh ngã ngựa của Trần Anh, Viễn Thông A, Topcare, Việt Long… và mới đây nhất, sau gần 5 năm ra mắt thị trường và tròn 1 năm mua lại Viễn Thông A, hệ thống siêu thị điện máy VinPro chính thức giải thể vào tháng 12/2019.
Có thể thấy, chỉ trong vòng 5 năm, số lượng siêu thị điện máy đã tăng khoảng 50 lần. Trong năm 2019, riêng Điện Máy Xanh đã mở thêm 300 cửa hàng trên khắp cả nước, tính trung bình mỗi ngày có thêm một siêu thị điện máy được mở mới.
Theo ước tính, tại các thành phố lớn, trước đây phạm vi bán hàng của một siêu thị điện máy có bán kính khoảng 30 km, thì giờ đây giảm xuống chỉ còn 5-10 km. Quan sát trên bản đồ, nhiều địa phương tuyến tỉnh, thậm chí cả tuyến huyện đã có hàng loạt siêu thị điện máy cùng mọc lên san sát, trong khi những năm trước đó không hề có.
Với mật độ mở dày đặc của các chuỗi lớn, dư địa phát triển dành cho các cửa hàng nhỏ lẻ gần như không còn.
Thời hoàng kim của ngành bán lẻ điện máy đã qua đi. Từ mấy năm nay, để cầm cự, các chuỗi bán lẻ phải chạy đua khuyến mãi, giảm giá quanh năm nhưng sức mua vẫn không cải thiện là bao. Nhiều hệ thống đối mặt nguy cơ phá sản.
Nằm ngay trung tâm TP HCM, Trung tâm Điện máy Ideas (quận 3) thường xuyên chỉ có vài ba nhân viên trông giữ, không thấy khách hàng tới khảo sát hay chọn mua sản phẩm. Do ế ẩm nên trung tâm này không nhập hàng mới, hàng hóa trưng bày ở đây đa số là những mẫu từ nhiều năm trước. "Bước vào trung tâm điện máy mà có cảm giác như vào kho hàng vì vắng vẻ quá!" - một khách hàng hiếm hoi của Trung tâm Điện máy Ideas nói.
Một siêu thị điện máy lớn khác ở quận 5, TP HCM đã phải san sẻ mặt bằng cho hoạt động khác trong nhiều năm qua vì không có khách. Gần đây, siêu thị này tiếp tục thu hẹp diện tích kinh doanh để có tiền bù đắp chi phí.
Các chuỗi bán lẻ điện máy hầu như đang cố gắng cầm cự, không mở điểm bán mới. Chỉ riêng chuỗi Điện Máy Xanh duy trì chiến lược mở điểm bán mới và đóng cửa sau 3 tháng hoạt động để tìm mặt bằng khác nếu không đạt doanh số theo kế hoạch. Một số chuỗi như Thiên Hòa, Nguyễn Kim gần đây phải đóng cửa nhiều điểm bán lẻ hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Còn 34 siêu thị điện máy Trần Anh thì biến mất vĩnh viễn sau khi Thế Giới Di Động mua lại chuỗi bán lẻ này.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng Giám đốc Thế Giới Di Động, nhìn nhận tình trạng khách hàng đến mua sắm tại các siêu thị ngày càng giảm là xu hướng chung. Do vậy, Thế Giới Di Động đã chủ động nhiều giải pháp hiệu quả về chi phí, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng.
Với hệ thống Thiên Hòa, ông Nguyễn Quang Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Nam Hòa, cho biết công ty đang cắt giảm mặt bằng, chỉ giữ lại những lĩnh vực cốt lõi, đẩy mạnh bán hàng online và đặt mục tiêu phấn đấu doanh số từ hình thức này đạt khoảng 60-70% tổng doanh số.
Tương tự, với nỗ lực duy trì hoạt động, siêu thị điện máy Chợ Lớn cũng xúc tiến phối hợp với các hãng để chạy nhiều chương trình giảm giá mạnh đến 50%; phối hợp với các đơn vị tài chính để đưa ra nhiều giải pháp thanh toán cho người tiêu dùng, chẳng hạn trả góp kéo dài lên đến 24 tháng; tăng thời gian bảo hành sản phẩm…