‘Sếu đầu đàn’ đưa thương hiệu quốc gia tung cánh
(DNTO) - Top 50 thương hiệu Việt Nam tiếp tục thăng hạng trong năm 2022 là động lực để nâng cao thương hiệu quốc gia, trong bối cảnh thương hiệu của nhiều nước không duy trì được thứ hạng khi kinh tế, chính trị bất ổn.
Ngày đêm lan tỏa hình ảnh đất nước
Top 50 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam tiếp tục thăng hạng trong năm 2022 với mức tăng tới 36%, cao hơn nhiều những tên tuổi lớn trong khu vực như Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ hay Nhật Bản (theo Brand Finance).
Nhờ vậy, thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng duy trì tốc độ tăng trưởng từ thứ hạng 42 năm 2019 lên vị trí thứ 32 năm nay. Việt Nam cũng là nước có giá trị thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022 (mức tăng 74%), trong khi nhiều nước không duy trì được thứ hạng thương hiệu quốc gia do ảnh hưởng của đại dịch, xung đột chính trị và những thách thức về kinh tế.
Đặc biệt, những doanh nghiệp có giá trị thương hiệu dẫn đầu đều là những “sếu đầu đàn” của các ngành, lĩnh vực như Viettel, FPT (công nghệ thông tin), Vinamilk (sản xuất thực phẩm), MB, Vietcombank, Vietinbank, BIDV (ngân hàng), Hòa Phát, Petrovietnam (sản xuất công nghiệp), Vietnam Airlines (hàng không)…
Đơn cử như Viettel, thương hiệu giá trị nhất Việt Nam trong vòng 7 năm liên tiếp, hiện được định giá 8,8 tỷ USD (tăng 44,5%), trong những năm qua đã đóng góp không nhỏ vào việc đưa hình ảnh Việt Nam đến với thế giới. Sự phủ sóng của Viettel đến 10 quốc gia trên thế giới (Campuchia, Lào, Myanmar, Đông Timor, Peru, Haiti, Mozambique, Tanzania, Cameroon, Burundi), với thị phần dẫn đầu ở nhiều nước, đã mang đến cho thế giới một cái nhìn khác về Việt Nam, không còn chiến tranh, đói nghèo hay là một nước đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp, mà đó là hình ảnh một Việt Nam năng động với những kỳ tích trong phát triển internet và dịch vụ viễn thông.
Hay Vinamilk, thương hiệu được Brand Finance định giá 2,8 tỷ USD năm 2022, đứng thứ 6 trong Top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu, đã có mặt tại 57 quốc gia, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Hành trình 20 năm “mang chuông đi đánh xứ người” của Vinamilk cũng là ngần ấy năm thương hiệu sữa của Việt Nam tiếp cận và trở nên quen thuộc với thị trường thế giới, được người tiêu dùng thế giới tin tưởng và ủng hộ. Những nỗ lực của Vinamilk nói riêng và các thương hiệu trong ngành nói chung đã giúp Việt Nam từ nước phải nhập khẩu sữa sang nước xuất khẩu sữa thuộc hàng top thế giới.
Mối quan hệ “có đi, có lại”
Sự phát triển của thương hiệu quốc gia và thương hiệu doanh nghiệp là mối quan hệ tác động lẫn nhau, “có đi, có lại”. Một quốc gia xây dựng được thương hiệu tốt sẽ giúp các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa của quốc gia đó dễ dàng tiếp cận với thị trường thế giới. Ví dụ như khi nhắc đến đất nước Nhật Bản, người tiêu dùng sẽ nghĩ đến đất nước với sản phẩm được kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng; hay nhắc đến Đức, mọi người sẽ liên tưởng đến những sản phẩm công nghiệp chất lượng cao…
Ngược lại, những doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu tốt trên thị trường quốc tế cũng góp phần nâng tầm và sức ảnh hưởng của thương hiệu quốc gia. Như Apple, Microsoft… là những thương hiệu góp phần làm nên tên tuổi của nước Mỹ với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới.
Quá toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp 4.0 đặt mỗi quốc gia trong vòng xoáy cạnh tranh để thu hút đầu tư, du lịch và thúc đẩy xuất khẩu. Vì vậy, các quốc gia đều nỗ lực tạo dấu ấn và thương hiệu để thay đổi nhận thức của khách du lịch, người tiêu dùng và nhà đầu tư, đối tác quốc tế.
Ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương cho biết, các quốc gia đặc biệt là những nước đang phát triển như Việt Nam nên tiếp tục phát triển về giá trị thương hiệu để giúp đất nước chuyển từ định hướng sản phẩm sang định hướng tiếp thị và thương hiệu. Muốn vậy, các thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam cần cởi mở và minh bạch hơn với tất cả các bên liên quan, đặc biệt chú ý đến xu hướng mới trong kinh doanh như các tiêu chí phát triển doanh nghiệp bền vững (ESG) .
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, thời gian qua, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam góp phần tích cực trong việc xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng ở thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia thời gian qua đã thể hiện rõ vai trò tiên phong, dẫn dắt và phát triển Thương hiệu Quốc gia, đặc biệt trong những giai đoạn nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn.
Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện nhiều hoạt động để tiếp tục thúc đẩy Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam. Trong đó là hoạt động nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu cho các doanh nghiệp và tập trung các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng ở thị trường trong và ngoài nước.