Sedan cỡ nhỏ gặp khó: Xe 'hot' tụt dốc, dân buôn ô tô lo lắng
(DNTO) - Trong lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, nhiều người có nhu cầu mua ô tô nhưng bị hạn chế về năng lực tài chính đã lựa chọn những dòng xe có giá bán từ 600 triệu đồng trở xuống. Vì vậy, những mẫu sedan hạng B đang có lợi thế.
Xe nhập tăng doanh số
Theo số liệu từ Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong top 10 mẫu xe bán chạy nhất 4 tháng đầu năm 2021, có 7 cái tên thuộc xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Trong đó, phân khúc sedan hạng B có 3 mẫu là Hyundai Accent, Toyota Vios và Honda City. Những mẫu xe thuộc phân khúc sedan hạng B này từ lâu đã là trụ cột của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Doanh số bán của phân khúc sedan hạng B nhiều năm qua luôn dẫn đầu thị trường và năm 2020 vượt ngưỡng 60.000 xe, tăng trưởng gần 10%.
Các DN cho rằng, trong lúc đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành, nhiều người có nhu cầu mua ô tô nhưng bị hạn chế về năng lực tài chính, không thể lựa chọn những dòng xe có giá bán từ 700 triệu đồng trở lên, nên tập trung vào dòng xe giá từ 600 triệu đồng trở xuống. Vì vậy, những mẫu sedan hạng B đang có lợi thế.
Điểm đặc biệt của dòng xe này là thiết kế mới, có phong cách, được trang bị khá đầy đủ những tính năng an toàn mà phân khúc xe hạng A không có. Nội thất cũng rộng rãi, tiện nghi, động cơ mạnh mẽ hơn và khả năng linh hoạt trong đô thị. Với số tiền từ 600 triệu đồng trở xuống, khách hàng có thể lựa chọn một chiếc sedan hạng B ưng ý.
Đó cũng chính là lý do năm 2020, thị trường ô tô Việt Nam gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, nhưng phân khúc sedan hạng B vẫn có sự tăng trưởng ấn tượng, góp phần giúp cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đứng vững. Năm 2021 thị trường ô tô phân khúc sedan hạng B được dự báo cũng rất hứa hẹn, có sự tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, phân khúc này đang có sự thay đổi. Chỉ có Hyundai Accent vẫn giữ được doanh số ổn định, trong khi Toyota Vios và Honda City đều sụt giảm. Đáng chú ý, Toyota Vios các năm trước luôn dẫn đầu thị trường với doanh số bán khoảng 2.700-3.000 xe/tháng thì từ đầu năm 2021 đã giảm mạnh xuống dưới 2.000 xe/tháng.
Trong khi đó, mẫu Mitsubishi Attrage nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan đang tạo ra những bất ngờ trong phân khúc xe sedan hạng B. Doanh số bán tháng 3 và 4/2021 của mẫu này đạt hơn 1.000 xe mỗi tháng, nằm trong bảng xếp hạng 10 xe bán chạy nhất hai tháng qua.
Đại diện Mitsubishi Việt Nam cho biết, sở dĩ mẫu xe này có sự bứt phá ấn tượng là do phiên bản mới ra mắt tại Thái Lan, được trang bị thêm nhiều tính năng và tiện ích, nhập về có giá bán cạnh tranh, vì vậy giúp tăng doanh số.
Sản xuất gặp khó
Tại Việt Nam hiện có khoảng 11 mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt sản lượng từ 6.000-30.000 chiếc/năm. Trong đó, phân khúc sedan hạng B có hai mẫu xe đạt doanh số cao nhất là Vios với 30.000 xe/năm và Hyundai Accent với gần 21.000 xe/năm vào năm 2020. Đây là hai mẫu xe có điều kiện tốt nhất để thúc đẩy nội địa hóa, đóng góp cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay.
Từ đầu tháng 5/2021, Toyota Vios đã được doanh nghiệp và các đại lý giảm giá từ 10-40 triệu đồng/xe, với mục tiêu giành lại vị trí dẫn đầu. Tuy nhiên, theo đánh giá thì doanh số bán Vios năm 2021 rất khó vượt qua “đỉnh cao” 30.000 xe của năm 2020. Một số ý kiến cũng lo lắng, cho mẫu Hyundai Accent có thể bị xe nhập khẩu lấn át trong thời gian tới, khó có sự tăng trưởng về doanh số. Như vậy, ngành công nghiệp ô tô có thể bị kéo thụt lùi.
Theo Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2021 cả nước đã nhập khẩu 50.161 ô tô các loại, tăng hơn 56% so với cùng kỳ. Trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan và Indonesia. Số xe nhập khẩu từ hai thị trường này chiếm tới trên 70% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam.
Còn số liệu từ VAMA cho thấy, tính đến hết tháng 4/2021, doanh số bán hàng của ô tô lắp ráp trong nước đạt 57.895 xe, tăng 46% so với cùng kì năm ngoái, trong khi xe nhập khẩu đạt 43.414 xe, tăng 78% so với cùng kì năm ngoái.
Thách thức đang chờ đợi các nhà sản xuất ô tô trong nước khi phải cạnh tranh với xe nhập khẩu. Hiện tỷ lệ nội địa hóa với ô tô trong nước chỉ vào khoảng 10-20%, thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia là 60-80%. Chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn hai nước này từ 15-20%, làm giảm tính cạnh tranh so với các mẫu xe nhập khẩu. Từ đầu năm 2021, khi ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ không còn thì ô tô sản xuất lắp ráp trong nước gặp bất lợi trước xe nhập khẩu.
Giới chuyên môn cho rằng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chỉ có thể phát triển khi có thị trường và cơ hội thị trường đó phải dành cho các nhà sản xuất trong nước, chứ không phải cho xe nhập khẩu. Sản lượng xe trong nước giảm trong khi xe nhập khẩu tăng, thị trường ô tô Việt Nam sẽ thuộc về Thái Lan và Indonesia.
Một chính sách quan trọng được các DN mong chờ là điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế đối với ô tô. Mức thuế này quá cao, hạn chế người dân sử dụng ô tô, khiến sản xuất ô tô không phát triển. Tuy nhiên, nói nhiều nhưng mãi vẫn chưa thấy đâu.