Lập 'đại bản doanh' ô tô: Đầu tư lớn rủi ro cao, không lãi bằng buôn đất
(DNTO) - Đầu tư vào công nghiệp ô tô khó khăn vất vả đủ thứ, rủi ro cao lợi nhuận lại thấp, trong khi đó giá đất tại nhiều địa phương trên cả nước liên tục tăng. Tại Việt Nam hiện nay không có gì lãi bằng buôn đất.
“Đại bản doanh” ô tô?
Tập đoàn Vingroup mới đây có công văn gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị nghiên cứu khảo sát lập dự án tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, bao gồm: nhà máy sản xuất ô tô VinFast, chuỗi nhà máy sản xuất linh phụ kiện ô tô và thiết bị nghe nhìn công nghệ cao. Vị trí xây dựng đặt tại Khu kinh tế Vũng Áng, quy mô 2.000 ha.
Tại Việt Nam nay đã hình thành một số trung tâm ô tô lớn, gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Nam, TP.HCM và Bình Dương. Có thể trong tương lai, thêm Hà Tĩnh trở thành một trung tâm lớn về công nghiệp ô tô của cả nước.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam có một số lợi thế trong ngành công nghiệp ô tô gồm: thị trường nội địa lớn đang ngày càng mở rộng, vị trí địa lý thuận lợi cho hoạt động hậu cần toàn cầu và lực lượng lao động có tay nghề. Không những thế, khác với Malaysia, Thái Lan hay Indonesia, Việt Nam áp dụng luật giao thông bên phải, là yếu tố quan trọng trong bố trí và chi phí sản xuất. Những yếu tố này đủ điều kiện biến Việt Nam trở thành “đại bản doanh” công nghiệp ô tô trong tương lai.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, thị trường ô tô Việt Nam đang bước vào “thời kỳ vàng” bởi tỷ lệ sở hữu xe tăng nhanh. Nếu biết nắm bắt thời cơ này, ngành công nghiệp ô tô có cơ hội phát triển.
Bộ Công Thương cho hay, đến năm 2020, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã đạt được các mục tiêu quan trọng là: tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất khẩu ô tô nguyên chiếc ra nước ngoài và tạo ra thương hiệu ô tô Việt.
Tuy nhiên, công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn đang gặp một số rào cản lớn. Đó là tỷ lệ nội địa hóa thấp. Chi phí sản xuất không mang tính cạnh tranh, so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN và quy mô thị trường nhỏ bé.
Chi phí sản xuất cao, có mối liên hệ chặt chẽ với ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Trong khi dung lượng thị trường nhỏ thì khó có thể đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và giảm chi phí.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có 350 DN sản xuất liên quan đến ôtô, trong đó có 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô,... Con số này thấp xa so với Thái Lan và Indonesia. Chưa kể, những linh kiện sản xuất chủ yếu là giản đơn, cồng kềnh có giá trị gia tăng thấp. Đến nay, không có nhiều nhà cung ứng địa phương đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, chi phí, thời gian giao hàng để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sản xuất ô tô hay buôn đất?
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, muốn sản xuất con vít dùng trong xe ô tô, vặn vào đâu cũng phải có thông số kỹ thuật của nó. Sản xuất phải trải qua tính toán trên lý thuyết đến thử nghiệm thực tế nghiêm túc, tức là đòi hỏi nhà sản xuất phải nắm được từ kỹ thuật, công nghệ cho đến lựa chọn vật liệu. Quá trình này rất vất vả, tốn kém cả thời gian lẫn chi phí. Đầu tư vào sản xuất công nghiệp hỗ trợ thì khó khăn vất vả đủ thứ, rủi ro cao lợi nhuận lại thấp, trong khi đó giá đất tại nhiều địa phương trên cả nước liên tục tăng.
Tại Việt Nam hiện không có gì lãi bằng buôn đất. Doanh nghiệp vì thế cứ lao vào buôn bán đất đai, kinh doanh bất động sản kiếm lời, theo ông Đồng.
Nếu chúng ta không có chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đủ hấp dẫn và vẫn giữ chính sách với lĩnh vực bất động sản như vậy thì chỉ khuyến khích các DN đi buôn đất, bởi lợi nhuận rất cao, không muốn đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ làm gì, ông Đồng đánh giá.
Hiện tại quy mô thị trường ô tô Việt Nam chỉ đạt 400.000 xe các loại/năm, trong đó xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 60%, bằng 1/3 quy mô thị trường ôtô của Thái Lan, 1/4 của Indonesia... dẫn đến ngành công nghiệp ô tô khó có thể phát triển.
Muốn tăng quy mô ngành công nghiệp ô tô thì phải khuyến khích người dân sử dụng ô tô. Vì công nghiệp ô tô có mối liên hệ mật thiết với các hộ gia đình. Khi quy mô thị trường tăng mới có cơ hội để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và giảm chi phí. Nhưng hiện tại, Việt Nam vẫn hạn chế tiêu dùng ô tô, với thuế phí cao và đánh chồng chất lên nhau, khiến giá xe cao ngất ngưởng vượt xa tầm với của đa số người dân.
Công nghiệp ô tô là ngành sản xuất có hàm lượng công nghệ cao nên từ lâu nhiều quốc gia đã ưu tiên phát triển. Chẳng hạn như Nhật Bản hay Hàn Quốc từ lâu đã có những chính sách ưu tiên phát triển, nhờ vậy công nghiệp ô tô trở thành trụ cột của nền kinh tế, góp phần quan trọng giúp hai quốc gia này thoát bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển. Việt Nam đến nay vẫn chưa có chính sách này.
Các trung tâm công nghiệp ô tô đã và đang mọc lên tại Việt Nam, tuy nhiên, rủi ro ngày càng lớn. Nếu chi phí sản xuất không cạnh tranh được với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN thì thị trường nội địa không dành cho doanh nghiệp trong nước.
Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo kém phát triển, dẫn tới phụ thuộc lớn vào nhập khẩu. Điều này mang lại giá trị gia tăng thấp và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, khiến cho mục tiêu thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, vươn lên thành quốc gia phát triển khó thành hiện thực.