Quý đầu tiên sau nhiều năm, chuỗi Winmart mang tiền về Masan, Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang nói gì?
(DNTO) - Quý 3 năm nay, lợi nhuận sau thuế của Wincommerce lần đầu kể từ giai đoạn Covid đạt 20 tỷ đồng, cùng đó có tới 60 cửa hàng mở mới trong số hơn 3,7 ngàn cửa hàng đang hoạt động tính đến hiện tại và đóng góp đáng kể cho kết quả kinh doanh của Masan.
Theo Tập đoàn Masan, thành quả của chuỗi bán lẻ đến từ việc mô hình cửa hàng mới đang mang lại nhiều giá trị khác biệt và vượt trội cho khách hàng, đồng thời cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp linh hoạt lựa chọn địa điểm mở cửa hàng. Ngoài ra, tỷ lệ hao hụt được cải thiện trong quá trình hoạt động cũng điểm cộng đã giúp chuỗi đạt lợi nhuận hoạt động dương dù tăng trưởng doanh thu không thay đổi.
Tổng doanh thu quý 3 của Wincommerce đạt trên 8,6 ngàn tỷ đồng, được đóng góp nhiều bởi các cửa hàng mô hình mới (WIN và Winmart+ Rural) với mức tăng trưởng LFL đạt lần lượt 12,5% và 11,5% so với cùng kỳ, trong khi đó các cửa hàng truyền thống giữ mức tăng 8%.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan chia sẻ, thành quả trên sẽ là động lực then chốt giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông Masan. "Xu hướng này sẽ tăng tốc hơn nữa khi chúng tôi tiếp tục thực hiện các phát kiến chiến lược trong trung hạn", ông nhấn mạnh.
Vị Chủ tịch cũng tự hào cho biết: "Tôi tin rằng Masan sẽ tiến gần đến kế hoạch lợi nhuận sau thuế theo kịch bản tích cực là 2.000 tỷ đồng. Chúng tôi đã và đang tập trung kết hợp toàn bộ nền tảng tiêu dùng bán lẻ của mình, hướng đến mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hợp nhất hai chữ số cho năm 2025".
Tính chung 9 tháng đầu năm, mảng này mang đóng góp cho Masan hơn 24 ngàn tỷ đồng, tương đương trên 40% tổng doanh thu toàn tập đoàn. Lợi nhuận gộp của chuỗi đạt gần 5,9 ngàn tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ và điều này cho thấy có sự phục hồi mạnh mẽ của mảng bán lẻ của Masan sau thời gian trước đó gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Thành quả trên đã giúp Masan có một quý kinh doanh khá tích cực đạt doanh thu thuần hợp nhất trên 21,4 ngàn tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, áp lực lãi vay của Masan đã giảm đáng kể giảm, chi phí tài chính thuần giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện tại, cổ phiếu MSN của Masan đang giữ đà tăng trưởng khá tốt khi bật tăng 18% kể từ đầu năm nay, riêng đầu tháng 10 đến nay MSN cũng đã tăng gần 5%.
Theo báo cáo mới công bố của Chứng khoán BSC, các chuyên gia duy trì kỳ vọng tích cực với MSN với hai luận điểm: việc thoái vốn ở các mảng kinh doanh không cốt lõi và kỳ vọng IPO đối với MCH và TCX trong trung hạn. Trước mắt, triển vọng từ mảng kinh doanh cốt lõi và xu hướng giảm đòn bẩy nợ, tỷ lệ nợ vay/EBITDA đang là chủ điểm để hỗ trợ cho cổ phiếu MSN.
Tuy nhiên, BSC cũng lưu ý về các rủi ro có thể xảy ra do ảnh hưởng của thiên tai, cụ thể là tình trạng ngập lụt và sạt lở tại các tỉnh miền Bắc vừa qua, có thể làm gián đoạn và gây thiệt hại lên các mảng kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, Masan còn phải đối mặt với vấn đề sức mua trên thị trường bán lẻ có thể giảm, gây áp lực lên các mảng kinh doanh chính doanh nghiệp, đồng thời cả rủi ro nợ tiềm tàng từ hoạt động khai thác tài nguyên.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn khuyến nghị "mua" với cổ phiếu này và giá trị hợp lý năm 2025 được đánh giá là 100.700 đồng/cp.