Quý 1/2023, mỗi tháng có hơn 20.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường

(DNTO) - Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, trong quý I/2023, bình quân một tháng có gần 20,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tức là khoảng 1.000 doanh nghiệp đăng ký 'khai tử' mỗi ngày.

Gần 20,1 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường mỗi tháng đầu năm. Ảnh: TL.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 3, cả nước có 14.200 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 145.700 tỷ đồng và số lao động đăng ký 92.600 lao động, tăng 60,9% về số doanh nghiệp, tăng 122,2% về vốn đăng ký và tăng 81,4% về số lao động so với tháng 2/2023.
Bên cạnh đó, cả nước còn có gần 6.300 nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 60,1% so với tháng trước và tăng 46,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung quý I năm 2023, cả nước có gần 34.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 310,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 212,3 nghìn lao động, giảm 2% về số doanh nghiệp, giảm 34,1% về vốn đăng ký và giảm 12,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong ba tháng đầu năm 2023 đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính cả 446,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 10.600 doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong ba tháng đầu năm 2023 là 756,7 nghìn tỷ đồng, giảm 35,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, cả nước có hơn 23.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong ba tháng đầu năm 2023 lên gần 57.000 doanh nghiệp, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân một tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, quý I năm 2023 có 330 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm trước; 8.100 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 9,6%; 25.400 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 1,5%.
Cũng trong tháng 3, có 4.147 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước; 3.452 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 31% và tăng 39,5%; có 1.412 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 21% và tăng 31,1%.
Tính chung quý I năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 42.900 doanh nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước; gần 12.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 13,1%; 4.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5%. Bình quân một tháng có gần 20.100 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Qua rà soát sơ bộ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng, việc thực thi cdoanh nghiệp thành lập mớiác giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, bởi đây chính là “trợ lực” quan trọng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra mới đây, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ mong muốn Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua tập trung cải cách thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn gây phiền hà cho doanh nghiệp như: đất đai, thuế, xây dựng… Đồng thời, tiếp tục giảm thiểu gánh nặng thanh tra, kiểm tra theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp...