Phê duyệt khung chính sách bồi thường đường nối Ninh Thuận đến Lâm Đồng
(DNTO) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án thành phần 2, đường nối Ninh Thuận đến Lâm Đồng
Ngày 27/6, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 544/TTg-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với dự án thành phần 2 thuộc dự án đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án trên đã được Chính phủ phê duyệt.
UBND tỉnh Ninh Thuận và UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của thông tin và số liệu; đồng thời chỉ đạo thực hiện hhung chính sách đã được phê duyệt theo đúng quy định pháp luật.
Được biết, dự án đường Tân Sơn - Đức Trọng có chiều dài 62 km, trong đó 45 km thuộc huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận và 17 km đi qua huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Tổng mức đầu tư dự án gần 1.500 tỷ đồng, thời gian triển khai và hoàn thành dự kiến 2021 - 2025.
Đường Tân Sơn - Đức Trọng được chia làm 2 dự án thành phần, trong đó thành phần 1 là đoạn từ thị trấn Tân Sơn đến xã Ma Nới (Ninh Sơn) có chiều dài 22 km, vốn đầu tư trên 486 tỷ đồng; thành phần 2 là đoạn tiếp theo đến ngã tư Tà Năng, Đức Trọng, có chiều dài 40 km, tổng mức đầy tư trên 1.008 tỷ đồng.
Trong ngày 28/6, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 3986/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) yêu cầu các đơn vị tăng cường quản lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 10/10/2020 tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại điện tử (quảng cáo, giới thiệu, chào bán, vận chuyển, giao nhận hàng hóa); kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử... Các đơn vị, lực lượng chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ cần tăng cường công tác phối hợp; kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. |