Phân khúc kho lạnh: Đầu tư tốn kém nhưng là mục tiêu mới của các nhà đầu tư bất động sản
(DNTO) - Đầu tư kho lạnh hứa hẹn trở thành phân khúc hấp dẫn, nhiều tiềm năng khi nhu cầu thực tế với loại hình ngày càng gia tăng.
Cung không đủ cầu
Nhu cầu bảo quản lạnh với các mặt hàng như trái cây hay thủy sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu luôn tăng cao thời gian qua. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến bất thường khiến việc lưu thông hàng hóa trở nên khó khăn thì nhu cầu về kho lạnh lại càng lớn.
Thực tế trong những năm vừa qua, phân khúc kho lạnh đã được nhiều doanh nghiệp trong nước chú trọng đầu tư. Tiêu biểu như năm ngoái, Quỹ Khởi nghiệp Xanh Việt Nam đã xây dựng 5 kho lạnh thông minh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hay Tập đoàn ABA Cooltrans mở thêm một trung tâm phân phối lạnh quy mô 10.000 m2 với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng tại Thủ Đức, TP.HCM.
Ngoài ra, các tên tuổi nội địa lớn như Transimex, Hùng Vương, Mekong Logistics, MP Logistics, Vinafco Vietnam… đều đang đầu tư nhiều vào hệ thống lạnh.
Tuy nhiên, công suất các kho lạnh còn quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
“Công suất kho lạnh tại Việt Nam đến nay vẫn còn chưa theo kịp nhu cầu của ngành nên khi dịch Covid-19 xảy ra, tình trạng thiếu kho thêm nghiêm trọng” - ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thừa nhận khi nói về mặt hàng thủy sản.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet; hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định (chủ yếu là xuất khẩu).
Những con số trên cũng mới thỏa mãn được một phần sản lượng hàng cần cấp lạnh khi “Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch, 30% đến 50% đơn đặt hàng xuất khẩu thủy sản đã bị hủy dẫn đến hàng tồn kho leo thang và các kho lạnh phải hoạt động công suất tối đa” - bà Trang Bùi - Giám đốc Cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL cho biết
Một điều dễ nhận thấy, việc đầu tư kho lạnh có nhiều đặc trưng riêng biệt về nguồn vốn, thời gian cho thuê... đã cản trở nguồn cung với thị trường này. Theo chuyên gia của Jll, “Chi phí đầu tư kho lạnh cao gấp hai đến ba lần so với nhà kho thông thường và quá trình xây dựng có thể lâu hơn đến sáu tháng. Bên cạnh đó là thời hạn thuê thường kéo dài từ 15 năm đến 20 năm khiến nguồn cung đã khan hiếm càng khan hiếm hơn".
Cơ hội mới cho các nhà đầu tư bất động sản
Việc xây dựng mới cũng như mở rộng các chuỗi lạnh trở thành nhu cầu cấp thiết của thị trường logistics trong nước, mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư khai thác.
"Tiềm năng của kho lạnh đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư bất động sản, cả các quỹ đầu tư mạo hiểm và bên cho vay. Các nhà đầu tư cũng đang cân nhắc kho lạnh như một khoản đầu tư thay thế cho bất động sản công nghiệp truyền thống" - chuyên gia JLL nhận định.
Thực tế cho thấy, nguồn cung kho lạnh chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam do nhu cầu lớn, trong đó, khoảng 60% thị phần được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Còn với các doanh nghiệp Việt, dường như thị trường vẫn còn chờ họ khám phá thêm.
Theo ông Trương Đình Hòe, các doanh nghiệp vẫn sẽ chủ động đầu tư vào hệ thống kho lạnh tùy theo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, theo ông, Nhà nước nên có các chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư như: hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và giảm lãi suất 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản xây dựng kho lạnh có sức chứa tối thiểu 5.000 pallet (khoảng 5.000 tấn); ngoài ra, cần hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho 2 năm đầu.
Còn theo đại diện của Jll, không riêng vấn đề chuỗi lạnh, để Việt Nam phát triển được ngành logistics công nghiệp thì quan trọng nhất là duy trì mức đầu tư hợp lý vào đầu tư cơ sở hạ tầng, cần chú trọng vào việc phát triển cả hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, kể cả năng lượng tái tạo.
"Bên cạnh đó, quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam, bao gồm cả thời gian và chi phí, vẫn cần cải tiến đáng kể. Chi phí giao dịch qua biên giới, như chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục và xuất nhập khẩu, ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với hầu hết các nước trong khu vực" - chuyên gia Jll nhấn mạnh.