Nỗi lo kẹt xe làm tăng giá hàng hóa, doanh nghiệp chờ giải 'bài toán' quá tải hạ tầng giao thông
(DNTO) - Ghi nhận ở TP.HCM trong nửa đầu tháng 1/2025, mức độ ách tắc giao thông đang trở nên nghiêm trọng, gây hệ lụy đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài việc nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông thì cần có giải pháp căn cơ, tập trung nâng cấp mở rộng hạ tầng giao thông là rất cần thiết trong lúc này.
Nguy cơ ‘đứt’ hàng cục bộ vì ùn tắc giao thông
Thời điểm cận Tết, nhu cầu về quê, du lịch, vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh thành về TP.HCM và ngược lại tăng đột biến. Trong khi các tuyến cao tốc, quốc lộ kết nối TP.HCM với các địa phương đang rơi vào tình trạng quá tải khiến giao thông thường xuyên ùn tắc.
Không chỉ các tuyến cao tốc, cửa ngõ thành phố, nhiều khu vực trọng điểm như nhà ga, bến xe, sân bay, kẹt xe ở TP.HCM đang lan rộng ở nhiều khu vực nội ô như quận 1, 3, 4, 7, 8, Phú Nhuận, Tân Bình…, đặc biệt là khi qua các giao lộ.
Theo ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT), trong nửa đầu tháng 1/2025, lượng phương tiện giao thông đã tăng 2,8 - 11,4% so với cuối năm 2024, tập trung tại các khu vực trung tâm, sân bay Tân Sơn Nhất và các cửa ngõ thành phố. Riêng khu vực trung tâm ghi nhận lưu lượng xe tăng 11,4%, trong khi số lượt ùn tắc tăng 17%.
Điều này khiến các doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa" khi phải đối mặt với việc chậm trễ vận chuyển, tác động dây chuyền đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa. Tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Công Thương với TP.HCM về chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025 mới đây, đại diện một số chợ đầu mối nông sản, siêu thị phản ánh tình trạng ùn tắc giao thông đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa của họ trong những ngày qua.
Ông Lê Hoàng Phong, Phó Giám đốc Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, bày tỏ mối lo giá thịt lợn có thể sẽ bị đẩy lên nếu tiếp diễn tình trạng kẹt xe nặng nề quanh chợ đầu mối dẫn tới hàng chuyển từ cơ sở giết mổ về chợ không kịp.
Còn theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, với tình hình ách tắc giao thông như hiện tại sẽ có nguy cơ bị đứt hàng cục bộ với mặt hàng tươi sống, rau củ quả phải đưa về mỗi ngày. Điều đó khiến cho nhóm hàng này có nguy cơ tăng giá. Ngoài ra, do kẹt xe nên shipper giao hàng cho khách mua sắm thông qua kênh trực tuyến cũng gặp khó khăn.
"Bồi" thêm những khó khăn, gần nửa tháng áp dụng Nghị định 168/2024/NĐ-CP, nhiều tài xế, doanh nghiệp vận tải ở TP.HCM than gặp khó khi vận chuyển hàng. Họ cho biết theo nghị định 168, tài xế không được lái xe liên tục quá 4 giờ, một ngày không được lái xe quá 10 giờ và không quá 48 giờ/tuần, trong khi các trục đường ngõ ở TP.HCM và cao tốc vào những ngày cuối năm xảy ra ùn tắc nghiêm trọng, tài xế khi hết thời gian lái liên tục 4 giờ không tìm được chỗ dừng, đỗ 15 phút theo quy định.
"Hạ tầng giao thông ở TP.HCM chưa đảm bảo, đường quá nhỏ. Kẹt xe nghiêm trọng nhưng Nhà nước quy định chạy xe 4 giờ liên tục phải nghỉ ngơi 15 phút, anh em tài xế không có chỗ đậu phương tiện để nghỉ ngơi. Xe dừng lại thì vi phạm lỗi đậu không đúng nơi quy định, đi tiếp thì bị dính lỗi chạy quá giờ quy định, cách nào cũng bị phạt", một Giám đốc doanh nghiệp vận tải tại quận 7, TP. HCM cho biết.
Đồng thời nhấn mạnh, tình trạng trên khiến hàng hóa không cung cấp kịp cho nhà máy để đảm bảo hoạt động sản xuất khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng do không giao hàng đúng tiến độ.
"Chúng tôi mong muốn Nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng tốt hơn để tài xế chở hàng không bị ùn tắc. Hiện 90% tài xế vô tình vi phạm do hạ tầng giao thông không đảm bảo. Với quy định mới, tài xế làm không đủ sản lượng, ảnh hưởng đến thu nhập. Tài xế có nhu cầu được tăng ca lái xe thêm giờ theo luật lao động như những ngành khác thì có được hay không?", vị này trăn trở.
Hỗ trợ doanh nghiệp thế nào?
Trước những khó khăn này, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam mới đây đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng và các cơ quan liên quan. Hiệp hội nhấn mạnh rằng hệ thống đường bộ Việt Nam chưa đồng bộ, tình trạng ùn tắc kéo dài ở các thành phố lớn và quốc lộ chính khiến tài xế khó tuân thủ quy định.
Các đề xuất được Hiệp hội đưa ra bao gồm: nới lỏng quy định thời gian lái xe từ 48 giờ lên 60 giờ mỗi tuần, điều chỉnh thời gian lái xe liên tục để phù hợp hơn với thực tế, cải thiện hạ tầng giao thông, bổ sung các trạm dừng nghỉ, và áp dụng chuyển đổi số trong quản lý hành chính. Trong đó nhấn mạnh việc sử dụng thuật toán để tự động cập nhật và đổi giấy chứng nhận đăng ký xe, tương tự cách Cục Đăng kiểm Việt Nam đã triển khai tự động gia hạn kiểm định ô tô.
Hiệp hội cũng kiến nghị tăng cường đầu tư vào các tuyến đường cao tốc, lắp đặt thêm trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường chính, đặc biệt là những đoạn giao thông huyết mạch như tuyến Bắc - Nam. Đây được xem là giải pháp dài hạn để giảm ùn tắc và hỗ trợ tài xế tuân thủ quy định mà không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải.
Theo các chuyên gia, quy định mới được đưa ra với mục đích tốt, nhằm nâng cao an toàn giao thông. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực tế của hệ thống giao thông và hoạt động vận tải tại Việt Nam, việc điều chỉnh linh hoạt là cần thiết để vừa đảm bảo an toàn, vừa duy trì được sự ổn định và phát triển của ngành vận tải. Đây không chỉ là câu chuyện về quy định, mà còn là bài toán về sự thích nghi và hỗ trợ giữa các bên liên quan. Nếu không được giải quyết kịp thời, những khó khăn này có thể đẩy nhiều doanh nghiệp vận tải vào tình trạng phá sản, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và đời sống xã hội.
Chính vì thế, mới đây, trong Báo cáo Kinh tế TP.HCM của nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế TP.HCM và Cục Thống kê TP.HCM, có khuyến nghị trong năm 2025 và những năm tiếp theo, TP.HCM cần phải tập trung nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành các công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm. Việc tập trung phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cũng đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và phát triển một cấu trúc nền tảng của một bộ máy sản xuất năng suất cao và một đô thị tiện nghi.
Do đó, bản báo cáo Kinh tế TP.HCM đã nhấn mạnh “tốc độ giải quyết thách thức về cơ sở hạ tầng sẽ góp phần quyết định tốc độ tăng trưởng của Thành phố trong năm 2025, và đóng vai trò then chốt trong việc quyết định tốc độ tăng trưởng trong kỷ nguyên tiếp theo”.