Thứ năm, 19/06/2025
Doanh Nhân Trẻ

Doanh Nhân Trẻ

  • Click để copy

Nội dung quan trọng trong quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

TS. Vũ Quốc Dũng
- 06:30, 14/10/2022

(DNTO) - Đảng Cộng sản Việt Nam là đội ngũ tiên phong chỉ lối, dẫn đường Cách mạng Việt Nam, lãnh đạo trực tiếp, toàn diện mọi lĩnh vực đời sống đất nước, nên phương thức lãnh đạo của Đảng là nhân tố quan trọng hàng đầu.

 

433

Trong mỗi thời kỳ cách mạng, phương thức lãnh đạo luôn có sự hoàn thiện và sáng tạo phù hợp với tình hình. Vậy nên trong tất cả các văn kiện của Đảng, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng luôn được nhấn mạnh. Hội nghị Trung ương 6 (khoá XIII) đã bàn luận một cách sâu sắc về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Một trong những nội dung trọng yếu của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là thực hiện hiệu quả cơ chế vận hành giữa Đảng, Nhà nước và Mặt trận trong hệ thống chính trị ở nước ta.

Hệ thống chính trị đặc thù của nước ta có ba trụ cột tạo thế chân kiềng vững chắc là Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc. Ba trụ cột này có quan hệ mật thiết, gắn bó và vận hành ngày một nhuần nhuyễn theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận giám sát, phản biện.

Trong sự nghiệp đổi mới của chúng ta hiện nay, cùng với đổi mới kinh tế - xã hội, vấn đề đổi mới hệ thống chính trị đang đặt ra rất cấp thiết. Đó là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới cơ cấu tổ chức và hoạt động của Nhà nước và Mặt trận cùng các tổ chức quần chúng nhằm xây dựng nền dân chủ với tính chất là mục tiêu và động lực của chủ nghĩa xã hội. Công việc này đương nhiên rất khó khăn, phức tạp. Chính vì vậy, việc thực hiện tốt cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận giám sát, phản biện" bảo đảm thật sự phù hợp và ngang tầm những yêu cầu của công cuộc đổi mới có một ý nghĩa cực kỳ to lớn nhằm đưa đất nước tiếp tục tiến lên một cách mạnh mẽ và vững chắc theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Cơ chế là cách thức, phương pháp mà theo đó các quá trình được thực hiện. Cơ chế vận hành của hệ thống chính trị - xã hội là phương thức vận động của tổng thể xã hội được tổ chức, hướng dẫn và điều hành theo những thể chế, quan hệ vốn có đã được quy định và thừa nhận; nó phải phù hợp với yêu cầu của các quy luật phát triển xã hội nói chung và đặc điểm của chế độ xã hội nói riêng. Cơ chế vận hành đúng đắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát huy những yếu tố tích cực, hạn chế những tiêu cực, thúc đẩy xã hội phát triển mạnh mẽ, đúng hướng.        

Cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận giám sát, phản biện" xuất phát từ yêu cầu thể chế hoá những quan hệ bản chất về chính trị và xã hội phù hợp với đặc điểm của nước ta. Cơ chế đó đòi hỏi phân định rõ vai trò, chức năng của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị nhằm đảm bảo quyền làm chủ thật sự của nhân dân lao động, tạo động lực cho sự phát triển của đất nước.

Cơ chế này được cấu thành bởi ba nhân tố: Đảng, Nhà nước, Mặt trận. Nhân tố thứ nhất và thứ hai nhằm chỉ các tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Nhân tố thứ ba không chỉ nói về tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, mà còn thể hiện ý chí và nguyện vọng của toàn thể nhân dân. Vậy ba nhân tố ấy hợp lại phải mang tính đồng bộ như thế nào? Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức quần chúng nhân dân; điều gì bảo đảm cho sự đồng bộ ấy?

be-mac-hoi-nghi-tu-6-xiii-bm-9-5844

Có thể nhìn nhận cơ chế nêu trên là cơ chế chức năng nhiệm vụ, và khi đó phải xác định rõ chức năng của mỗi nhân tố. Đó là chức năng của Đảng, chức năng của Nhà nước, chức năng của Mặt trận và các tổ chức quần chúng nhân dân.

Trước hết xin đề cập đến chức năng của Đảng. Đảng phải lãnh đạo thì xây dựng chủ nghĩa xã hội mới thành công. Đó là điều hiển nhiên. Song, cơ chế mà chúng ta cần xây dựng không chỉ hướng mục đích chính vào việc khẳng định quy luật phổ biến ấy, mà muốn nhấn mạnh Đảng phải làm đúng chức năng của mình mà lãnh đạo chứ không phải làm thay chức năng quản lý của Nhà nước hoặc chức năng của Mặt trận Tổ quốc, vì nếu vậy sẽ không động viên, khơi dậy được quyền làm chủ của nhân dân. Đây là vấn đề có ý nghĩa thời sự. Song vấn đề tiếp tục đặt ra là Đảng lãnh đạo như thế nào? Sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô trước đây không phải vì các Đảng Cộng sản không nắm được quyền lãnh đạo, mà chủ yếu vì các Đảng đó xa rời phương pháp dân chủ trong lãnh đạo, vì các Đảng đó lãnh đạo một cách quan liêu, mệnh lệnh, đứng trên tất cả, không nắm được đối tượng lãnh đạo nghĩ gì và hành động như thế nào. Chính sự biến dạng về lãnh đạo đã làm cho vai trò của Đảng bị suy giảm trong thực tế, dù nó được ghi trên Hiến pháp.

Không thể giải đáp vấn để vô cùng phức tạp này chỉ bằng công thức giản đơn, bằng cách phân biệt lãnh đạo và quản lý hay lãnh đạo với việc giám sát, phản biện. Bài học từ sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô cho thấy, một khi Đảng cứ chủ quan với sự lãnh đạo của mình, với vị thế đứng trên Nhà nước, đứng trên xã hội, lại thiếu đi sự gắn bó máu thịt với nhân dân, thiếu đi sự hiện thân từ nhân dân, thì kết quả là không biết đến những tâm tư nguyện vọng và cả sự bất bình của nhân dân; đến khi có sự biến thì nhân đân đứng ngoài cuộc.

 Đảng lãnh đạo là hiển nhiên rồi, nhưng vấn đề nữa đặt ra là Đảng có quản lý không? Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, Đảng thực hiện vai trò, nhiệm vụ chủ yếu là lãnh đạo giành chính quyền. Khi chính quyền đã về tay nhân dân thì Đảng lãnh đạo Nhà nước quản lý, đồng thời hướng dẫn nhân dân quản lý. Không ai có thể phủ nhận vai trò quản lý chính quyền và xã hội của Đảng với tư cách là Đảng cầm quyền. Hơn nữa, Đảng còn là nhân tố cực kỳ trọng yếu của quản lý.

Lênin từng chỉ rõ: khi giai cấp vô sản đã giành được chính quyền thì nhiệm vụ quản lý trở thành nhiệm vụ chủ yếu và trung tâm. Đảng không thể thoái thác trách nhiệm quản lý với nghĩa đầy đủ của từ này, nghĩa là "tổ chức trong lĩnh vực thực tiễn". Đảng phải quản lý theo phương pháp của Đảng và không thể làm thay việc quản lý của Nhà nước như nhiều khi chúng ta vẫn làm.

 Đảng lãnh đạo bằng đường lối chính trị đúng đắn, biểu hiện những lợi ích căn bản của nhân dân, bằng thuyết phục nhân dân thừa nhận đường lối của Đảng, bằng đào tạo và giáo dục cán bộ, đảng viên để nhân dân lựa chọn các chức vụ của chính quyền Nhà nước. Đảng lãnh đạo bằng đề xuất những phương hướng, kế hoạch lớn phát triển kinh tế - xã hội có căn cứ khoa học được quần chúng bàn bạc, bổ sung và trở thành định hướng để Nhà nước vạch ra và chỉ đạo thực hiện các chương trình kế hoạch, chính sách và luật pháp, Đảng là tổ chức duy nhất có chức năng lãnh đạo như vậy.

Vấn đề Nhà nước quản lý. Theo cơ chế, Nhà nước làm chức năng quản lý. Nhưng đó phải chăng là Nhà nước chỉ quản lý chứ hoàn toàn không lãnh đạo? Không. Nhà nước có chức năng quản lý xã hội nhưng cũng có nhiệm vụ lãnh đạo chứ không phải đơn thuần chỉ là bộ máy thừa hành. Nhà nước được nhân dân trao cho quyền lực và chịu trách nhiệm quản lý mọi mặt đời sống xã hội trước nhân dân. Hoạt động của Nhà nước tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng cũng có nghĩa là nhân dân chấp thuận sự lãnh đạo của Đảng. Song sự lãnh đạo của Đảng phải bảo đảm vai trò chủ động rất lớn cho Nhà nước chứ không phải "dắt tay" Nhà nước trong mọi hoạt động của nó. Sẽ là hoàn toàn sai lầm nếu hiểu có sự chia quyền lãnh đạo chính trị giữa Đảng và Nhà nước. Cũng sẽ sai lầm nếu hiểu sự quản lý của Nhà nước không mang tính chất hoạt động lãnh đạo theo nghĩa rộng rãi nhất của khái niệm này.

Về chức năng của Nhà nước, cơ chế được nói gọn bằng từ "quản lý". Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, là sự tập trung quyền lực của nhân dân và thay mặt nhân dân để quản lý xã hội. Như vậy, chức năng quản lý xã hội là chức năng chính yếu của Nhà nước. Nhà nước là trung tâm của cơ chế quản lý xã hội. Nhưng quản lý không phải là việc riêng của Nhà nước, mặc dầu mọi đầu mối quản lý phải tập trung vào Nhà nước. Vậy thì nhân dân không quản lý sao?

Sức sống của xã hội ta là ở chỗ nhân dân giành được quyền quản lý xã hội và ngày càng trực tiếp bắt tay vào công việc quản lý. Hiện tại chúng ta phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Ai cũng biết rằng có quyền làm chủ là một việc, thật sự làm chủ lại là việc khác. Để làm người chủ thật sự, nhân dân phải bắt tay vào việc quản lý mọi mặt đời sống xã hội, phải tham gia ngày càng đông đảo và có hiệu quả thực tế vào việc quản lý nhà nước. Vì Nhà nước không chỉ là chủ thể quản lý, mà còn là "đối tượng" của nhân dân quản lý. Nhưng quản lý nhà nước không phải là một năng lực bẩm sinh của mọi người dân. Trình độ quản lý của người lao động nước ta còn yếu kém, điều đó dễ hiểu, vì các chế độ cũ đã gạt nhân dân lao động ra khỏi vai trò quản lý xã hội và quản lý nhà nước, vì nhân dân chưa có kinh nghiệm quản lý trong khi trình độ dân chí lại chưa cao.

Ngày nay, mục đích của chúng ta là làm sao những người lao động đều được thực hiện tham gia quản lý, ở mức độ này hay mức độ khác, một cách thực sự dân chủ. Nếu ngày nay người lao động lại tiếp tục bị tách khỏi công việc quản lý thì không tránh khỏi trở thành tình trạng phải có một lớp người chuyên quản lý, còn quần chúng nhân dân sẽ vẫn chỉ là người thừa hành, bảo sao làm vậy. Và như thế thì sao gọi là nhân dân làm chủ. Điều này được giải đáp với việc thực hiện vai trò của Mặt trận và các đoàn thể của nhân dân.

Mặt trận và các tổ chức đoàn thể là lực lượng rộng rãi nhất, đông đảo nhất của hệ thống chính trị, là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân để qua đó nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình một cách hiệu quả nhất. Thực hiện sự ủy quyền của nhân dân, Mặt trận có chức năng giám sát và phản biện. Giám sát và phản biện bao gồm cả giám sát, phản biện sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Thông qua việc giám sat và phản biện một cách chủ động, tích cực, hiệu quả, sự lãnh đạo của Đảng cũng như sự quản lý của Nhà nước được thực hiện một cách nhuần nhuyễn, nhịp nhàng, toàn bộ hệ thống chính trị là một khối thống nhất ý chí và hành động, tạo ra sức mạnh vô địch của chế độ xã hội. Vì vậy, nếu chỉ dừng lại nói "nhân dân làm chủ" thì thấy rất đúng, nhưng còn quá chung chung và trừu tượng. Cần phải nhấn mạnh thêm rằng, làm chủ ở đây bao hàm cả việc nhân dân quản lý, nhân dân giám sát, nhân dân phản biện đối với các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hoạt động của bộ máy công quyền.

Cần khẳng định nguyên tắc "mọi quyền lực trong xã hội đều thuộc về nhân dân" trong cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị của chúng ta. Nguyên tắc này cụ thể và có "ý nghĩa cơ chế" tương đồng khái niệm "làm chủ", nhưng có phần rõ nét hơn và cụ thể hơn. Nếu có quan niệm rõ ràng, đầy đủ về các quyền của nhân dân, nhất là quyền quản lý nhà nước và các quyền đó lại được bảo đảm bởi sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, được thể hiện hoá bằng pháp luật, thông qua Tổ chức Mặt trận để thực hiện chức năng giám sát, phản biện thì khi đó "làm chủ" không những có nội dung lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

Điều quan trọng nhất khi thực hiện cơ chế nêu trên thì Đảng phải thực sự đổi mới, chỉnh đốn, trở thành Đảng của trí tuệ, của niềm tin, Đảng là hạt nhân của khối đoàn kết toàn dân; Nhà nước phải thực sự của dân, do dân, vì dân và trong sạch, vững mạnh, có đủ trình độ và đủ tầm để quản lý, điều hành xã hội; nhân dân phải biết cách thực hiện quyền làm chủ, phải vươn tới sự hoàn thiện để có thể làm chủ các mặt của đời sống xã hội, làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên và làm chủ bản thân; Mặt trận thực hiện sự ủy quyền của nhân dân để thực hiện chức năng giám sát, phản biện.

Như vậy, cùng với việc nghiên cứu, từng bước hoàn thiện những yếu tố cụ thể của cơ chế vận hành giữa Đảng - Nhà nước - Mặt trận, vấn đề vô cùng quan trọng mà chúng ta đang ra sức thực hiện và chắc chắn thực hiện tốt là phát triển kinh tế - chính trị - văn hoá - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ; xây dựng Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng Đảng ngang tầm đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng, thực sự là hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc, là Đảng của trí tuệ và niềm tin.

Tin khác

Doanh nhân - Doanh nghiệp
Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời với tầm nhìn chiến lược, xác định rõ kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngay sau đó, các nghị quyết hành động của Chính phủ, Quốc hội và các bộ ngành đã bắt đầu triển khai. Tuy nhiên, trong dòng chảy thực tế, dòng vốn đến với doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa thực sự “thông mạch”.
6 giờ
Thời sự - Chính trị
Điểm đáng chú ý nhất trong bản tóm tắt các dự báo kinh tế cập nhật của Fed là việc nâng dự báo lạm phát chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lên 3% vào cuối năm 2025, cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% dài hạn.
8 giờ
Thời sự - Chính trị
Sáng 16/6, với 470/470 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3 ngày
Thời sự - Chính trị
Chiều tối 13/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).
5 ngày
Công nghệ Số hóa
Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng sẽ trở thành hai “điểm đến” trong chiến lược đầy tham vọng đưa Việt Nam vươn tầm trở thành điểm trung chuyển vốn toàn cầu. Kế hoạch đã có, nghị quyết sắp ban hành. Việt Nam có thể biến cơ hội vàng này thành hiện thực?
6 ngày
Thời sự - Chính trị
Sáng 11/6 theo giờ địa phương (chiều cùng ngày theo giờ Hà Nội), tại Paris, trong chương trình hoạt động song phương tại Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Pháp và châu Âu, trong đó có tập đoàn Alstom trong lĩnh vực giao thông vận tải.
1 tuần
Tài chính - Thị Trường
Ngân hàng Thế giới dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua ​​thập kỷ tăng trưởng chậm nhất kể từ những năm 1960 do tác động từ chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
1 tuần
Thời sự - Chính trị
Hai ngày đàm phán tại London đã giúp hai cường quốc đưa đến một "khuôn khổ" nhằm tiến đến các điều khoản thỏa thuận “đình chiến” thương mại.
1 tuần
Thời sự - Chính trị
Các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Washington và Bắc Kinh gặp nhau hôm nay (9/6) trong một nỗ lực được theo dõi sát sao, mang theo hy vọng mong manh về việc hạ nhiệt một trong những mặt trận căng thẳng nhất của cuộc chiến kinh tế: nguyên liệu đất hiếm.
1 tuần
Thời sự - Chính trị
Ngày 6/6 (giờ Hoa Kỳ), tại Thủ đô Washington D.C, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã dự hội nghị bàn tròn với đông đảo các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu thuộc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC).
1 tuần
Thời sự - Chính trị
Hôm nay 7/6, Sở Y tế TP.HCM công bố thiết lập đường dây nóng 0989.401.155 và tích hợp phản ánh trên ứng dụng “Y tế trực tuyến”, nhằm tiếp nhận thông tin từ người dân về hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực y tế.
1 tuần
Thời sự - Chính trị
Thay vì mô hình '2 cây - 1 con' tập trung vào sầu riêng, chuối và heo, Hoàng Anh Gia Lai sẽ đi theo mô hình '4 cây - 1con', thêm dâu tằm và cà phê vào danh mục sản phẩm, với tỷ trọng 20% mỗi loại.
1 tuần
Thời sự - Chính trị
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông và nhà lãnh đạo Trung Quốc - Tập Cận Bình đã có cuộc trao đổi qua điện thoại, đánh dấu sự trở lại vòng đàm phán giữa hai nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là sự trì hoãn tạm thời, vẫn còn nhiều bất đồng trong thỏa thuận thương mại.
1 tuần
Tài chính - Thị Trường
Một cuộc "khẩu chiến" gay gắt giữa hai nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn bậc nhất thế giới, tỷ phú công nghệ Elon Musk và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây chấn động thị trường tài chính, khiến cổ phiếu Tesla lao dốc và tài sản của CEO Elon Musk bốc hơi hàng chục tỷ USD chỉ trong một ngày.
1 tuần
Thời sự - Chính trị
Quan hệ thương mại giữa Canada và Mỹ đang bước vào giai đoạn căng thẳng mới sau khi Mỹ tăng gấp đôi thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm. Động thái này đã tạo ra một làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ Canada, buộc chính phủ nước này phải cân nhắc các biện pháp đáp trả.
2 tuần
Xem thêm