Nỗi ám ảnh từ những 'thú cưng' thả rông
(DNTO) - Dại là một trong những bệnh truyền nhiễm gây chết người. Từ năm 2004 đến nay, bệnh dại tăng lên rõ rệt ở các nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam. Trong đó, chó là ổ chứa vi rút dại chủ yếu, đặc biệt là chó thả rông. Chó thả rông hiện là nỗi ám ảnh cực kỳ của người dân khi bệnh dại đang có nguy cơ biến thành ổ dịch.
Chó thả rông: nỗi ám ảnh của người dân
Khác với cái thuở: “Nhà em có nuôi một con chó. Con chó nhà em dùng để giữ nhà…”, ngày nay, chó là thú cưng, nó được xem như một thành viên trong nhà, thậm chí được đối xử như con người. Có thể nói nuôi thú cưng trong nhà ngày nay đã trở thành một xu hướng, một thói quen phổ biến.
Cuộc sống hiện đại tạo ra nhiều áp lực căng thẳng trong công việc khiến con người thường rơi vào trạng thái cô đơn. Một con thú cưng trong nhà có thể khiến cho cuộc sống con người trở nên vui vẻ, yêu đời hơn, giảm đi muộn phiền và khỏa lấp cô đơn.
Trong thực tế, có thể nói nuôi chó thả rong không còn là thói quen xấu, là vấn nạn mà đã trở thành tệ nạn, được người dân “kêu cứu” nhưng vẫn chưa có biện pháp giáo dục và hình thức răn đe nào đủ sức ngăn chặn và xóa bỏ.
Việc thả rông chó nhất là trong các khu phố đông dân cư ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến môi trường sống và sinh hoạt của người dân xung quanh: Âm thanh tiếng chó sủa, chất thải, mùi hôi từ việc đại tiện của chó. Việc người nuôi chó thiếu ý thức, mang chó ra công viên đi vệ sinh, canh đêm tối hoặc sáng sớm dẫn chó qua nhà hàng xóm “xả chất thải”… là có thật.
Nguy hiểm hơn là việc chó chạy lung tung gây tai nạn giao thông và cắn người. Chắc hẳn mọi người còn nhớ câu chuyện bé trai 8 tuổi bị chó pitbull cắn tử vong tại xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, Bình Phước.
Trong lúc chạy chơi sau nhà, bất ngờ cháu bị con chó pitbull nặng hơn 30kg tấn công, cắn liên tiếp vào tay và cổ. Mặc dù được người nhà tức tốc đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng T. đã tử vong do vết thương quá nặng. Thật đau lòng.
Mới đây, ngày 7/3, vụ cô giáo Nguyễn Thị Phượng (31 tuổi, dạy tiếng Anh tại Trường tiểu học Hùng Xuyên, Phú Thọ) đang trên đường đến lớp, bị một con chó thả rông đâm vào xe máy khiến cô bị chấn thương sọ não nghiêm trọng gây xôn xao mạng xã hội. May nhờ các bác sĩ hết lòng cứu chữa hiện cô giáo đã qua cơn nguy kịch.
Đã đến lúc cơ quan chức năng cần mạnh tay trong việc siết chặt hơn nữa quy định về việc nuôi chó, tuyên truyền người nuôi nâng cao ý thức cộng đồng, tập lối sống văn minh. Đồng thời xử phạt thật nặng người nuôi chó làm ô nhiễm môi trường, nuôi chó thả rông, để chó cắn người, gây ra tai nạn…
Bệnh dại đang có nguy cơ biến thành ổ dịch
Trong thời gian gần đây, việc xuất hiện nhiều ổ dịch bệnh dại trên đàn chó và trên người càng khiến việc nuôi chó thả rông trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Bởi kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, chó tại các khu vực có ca bệnh hầu hết đều là chó thả rông và không được tiêm phòng đầy đủ.
Mới đây, ngày 28/7, tại tỉnh Đồng Nai, ổ dịch chó dại thứ 5 đã được xác định trên địa bàn 3 huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom và Nhơn Trạch, tính từ cuối năm 2022 đến nay. Theo ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh đang diễn biến rất phức tạp.
Trước đó, theo thông tin của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ thì từ đầu tháng 3 đến nay, trên địa bàn huyện đã phát hiện 2 ổ dịch bệnh dại tại xã Thu Cúc và xã Mỹ Thuận.
Còn tại Cà Mau, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, tính từ đầu năm 2020 đến nay, Cà Mau đã có 3 ổ dịch dại trên người tại huyện Phú Tân, Đầm Dơi và thành phố Cà Mau.
Ngoài ra, ổ dịch bệnh dại trên chó nuôi cũng là một mối đe dọa vì nó có nguy cơ cao phát sinh thành ổ dịch bệnh dại trên người nếu không kiểm soát triệt để nguồn lây bệnh.
Tại xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ từ ngày 18 - 24/6/2023, một số chó nuôi của hộ dân trong thôn có biểu hiện nghi bị bệnh dại, người dân đã đập chết và tiêu hủy tổng số 12 con của 8 hộ dân.
Tương tự, tính đến ngày 27/6, tại xã Mê Linh (huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội), các đơn vị chức năng cũng đã tiến hành điều tra, tiêu hủy 18 con chó nghi bị bệnh dại.
Bệnh dại gây tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm với tỷ lệ tử vong hầu như 100% khi lên cơn dại, cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Vì thế mọi người không nên chủ quan. Cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, không thả rông chó, chó ra đường phải rọ mõm. Người bị chó cắn phải đi tiêm ngừa sớm và đầy đủ các mũi tiêm.