Phòng chống đuối nước - việc quan trọng không chỉ ở trẻ em
(DNTO) - Ngày 25/7 hằng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Thế giới phòng, chống đuối nước là một trong những mối đe dọa tử vong đối với trẻ em. Quan tâm phòng chống tai nạn đuối nước là mối quan tâm hàng đầu trong thời gian đang diễn ra các hoạt động ngày hè.
Nói đến tai nạn đuối nước, người ta thường hay nghĩ đến trẻ em. Nhưng trong thực tế, số vụ người lớn tử vong vì đuối nước đang ngày càng tăng, kể cả với người biết bơi, thậm chí bơi khá giỏi.
Mới đây, chiều 1/7 TS,BS Nguyễn Hữu Phúc - Trưởng Bộ môn Tạo hình Thẩm mỹ, Phó trưởng Bộ môn Ung thư Đại học Y Dược TP.HCM, Trưởng khoa Tuyến vú Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (UMC) trong lúc tắm biển tại bãi đá ông Địa (Phan Thiết, Bình Thuận) bất ngờ bị một cơn sóng lớn ập vào kéo ra xa. Mặc dù được đưa vào bờ cấp cứu và tức tốc chuyển về TP. HCM nhưng BS Phúc đã không qua khỏi.
Sự ra đi của TS.BS Nguyễn Hữu Phúc trong thời điểm đỉnh cao của sự nghiệp, còn quá nhiều dự định phát triển chuyên môn trong tương lai đã để lại nhiều tiếc thương cho gia đình, đồng nghiệp, học trò và bệnh nhân.
Không chỉ rơi vào người không biết bơi, tai nạn đuối nước còn gây tử vong cho cả người biết bơi thậm chí bơi khá giỏi như trường hợp anh Phạm Hoàng Chương, thạc sĩ chuyên ngành Quản lý kinh tế ở Thạch Đồng, Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, bị nước cuốn trong khi bơi ra cứu người đang gặp nguy hiểm ở chỗ nước sâu…
Tuy nhiên tai nạn đuối nước vẫn là tai nạn thương tâm nhất đối với trẻ em. Ngày 10/7, sau một ngày tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân bị đuối nước khi tắm biển tại bãi tắm C, TP Sầm Sơn. Nạn nhân là cháu N.Đ.D. (SN 2007, trú tại phường Nông Tiến, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) bị đuối nước, mất tích.
Trước đó, ngày 25/5/2023 trên địa bàn Phường Bảo An, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, ba chị em ruột từ 6 -10 tuổi, trong lúc đi chăn dê đã bị tử vong vì đuối nước. Cái chết của các em đã khiến tang thương bao trùm xóm nhỏ
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, VN hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước đứng hàng đầu thế giới với trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ tử vong do đuối nước. Trong khi tỷ lệ dân số biết bơi lại rất thấp.
Trong nhiều nguyên nhân được đưa ra, theo Vụ phó Vụ TDTT quần chúng Tổng cục TDTT Nguyễn Thị Chiên thì việc trẻ chưa biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước được xem là nguyên nhân chính trong các vụ tai nạn đuối nước.
Vì thế việc trang bị kỹ năng bơi lội cho người dân nhất là trẻ em rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội chứ không phải là trách nhiệm của riêng ai.
Các phương tiện truyền thông cần tích cực tăng cường tuyên truyền, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức và hành động của người dân về phòng chống đuối nước; Phổ biến tài liệu, video clip hướng dẫn người dân và trẻ em về các kiểu bơi và kỹ thuật bơi, hướng dẫn cách cứu người đuối nước an toàn.
Ở các bãi biển du lịch cần tổ chức đội cứu hộ, đội sơ cấp cứu có nhiệt tình có tinh thần trách nhiệm và có chuyên môn cao.
Đối nhà trường nên đưa môn dạy kỹ năng bơi vào chương trình chính khóa bắt buộc từ bậc tiểu học. Khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu bể bơi, thiếu huấn luyện viên kỹ thuật bơi căn bản…
Tuy nhiên, bên cạnh sự khẩn trương vào cuộc, đầu tư vật chất và xây dựng các chương trình hành động của nhà nước thì ngay từ trong mỗi gia đình, phụ huynh nên có trách nhiệm tích cực tập luyện môn bơi lội, đồng thời vận động các thành viên trong gia đình học bơi cũng như trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước. Đặc biệt là trẻ em. Không chỉ cho các em học bơi mà còn dạy các em biết cách xử lý tình huống khi bị đuối nước để chờ người tới cứu, hoặc biết cách giúp người bị đuối nước.
Bất kể ở nông thôn hay thành thị, đã đến lúc mọi người nên xem việc biết bơi là một điều tất yếu, một kỹ năng mà ai cũng cần phải có như việc biết chạy xe vậy. Nếu không biết biết bơi thì những trải nghiệm và trang bị vốn sống, kỹ năng sinh tồn và thoát hiểm đều trở thành vô nghĩa.