Những người đi bán ước mơ
(DNTO) - Vì sao bán vé số là cái nghề được rất nhiều người chọn lựa trên bước đường mưu sinh nhưng từ trong thâm tâm họ vẫn xem thường, vẫn xem đó là một cái nghề bất đắc dĩ và không mong muốn con mình lớn lên sẽ đi bán vé số như họ?
Những người đi bán ước mơ và hy vọng
Ước mơ giàu sang là một mơ ước chính đáng của nhân loại. Với những người cùng khổ, mơ ước đó còn cháy bỏng biết bao nhiêu. Mua vé số là một cách thực hiện ước mơ được sở hữu một số tiền dựa 100% vào sự may mắn. Cho nên, có thể nói theo một cách “văn vẽ”, người bán vé số là người mang ước mơ đi bán cho thiên hạ, để thực hiện ước mơ của chính họ.
Ước mơ của người bán vé số không nằm ở tờ vé số, mà là số tiền họ thu được từ việc bán ước mơ cho người khác và cầu mong cho khách hàng của mình có nhiều người được trúng số. Bởi khách hàng trúng số giải càng cao thì người bán được thưởng càng nhiều. Và nó như là một cách marketing cho “thương hiệu” của người bán.
Người ta chọn nghề bán vé số vì nhiều lẽ nhưng tựu trung ở mấy điểm: không cần tuổi tác giới tính, không cần chuyên môn, thậm chí dành cả cho người tàn tật. Nhiều người còn nói vui đó là cái nghề được tự do đi đây đi đó. Đặc biệt thu nhập từ nghề này cũng “không tệ”.
Nhưng để đổi lại sự “không tệ” ấy, người bán phải hết sức chăm chỉ chịu khó. Đi sớm về tối, ăn bờ ngủ bụi, dằm mưa, dang nắng, xa nhà, xa quê, xa con cái, người thân, cảm giác cô độc và buồn tủi… đó là những gì mà người hành nghề bán vé số dạo phải trải qua. Không kể những rủi ro, nhẹ nhất là ế ẩm, nặng hơn là bị lừa đảo cướp tiền, cướp vé số, tráo vé số cũ (thường là với người tàn tật với trẻ nhỏ), bị dụ dỗ, sàm sỡ (xảy ra với các bé gái).
Mặc dù vậy, số người gia nhập vào “đội quân” hùng hậu này chưa bao giờ có dấu hiệu ngừng lại. Ngoài là một cái nghề lương thiện, có thể nuôi sống bản thân gia đình, thậm chí đóng góp cho xã hội… thì người bán vé số nếu chăm chỉ, siêng năng, có duyên mua bán kèm theo một chút “tính toán”, vẫn có thể làm giàu bằng nghề này.
Nghề kinh doanh vé số
Không kể những công ty xổ số kiến thiết, nơi được đánh giá là loại hình kinh doanh chỉ có lãi chứ không có lỗ, thì hệ thống các đại lý vé số cũng là nơi làm ăn phát đạt không kém. Nhiều đại lý thực sự trở trên giàu có từ kinh doanh vé số.
Bà Lâm Thị Hồng, chủ một đại lý cấp 2 chuyên bán vé số cho biết, hai mươi năm trước, bà khởi đầu bằng nghề bán vé số dạo. Sau đó thay vì đi lang thang, bà kiếm một cái bàn, bày vé số ra, ngồi cố định bên vỉa hè. Một số em nhỏ trong xóm, sau giờ học, xin bà cho lấy vé số đi bán. Bà Hồng giao cho mỗi đứa một ít, đi bán xong mới trả vốn lại cho bà kèm theo một ít huê hồng. Còn tiền chênh lệch chúng giữ lại đi học, ăn sáng, sắm sách vở, không phải xin ba mẹ. Tiếng lành đồn xa, sau đó, “mạng lưới” bán lẻ của bà nở rộng ra cả đối tượng người lớn.
Từ người bán vé số dạo, bà Hồng trở thành đại lý cấp 2 với thu nhập hơn chục triệu đồng/tháng. Bà cho biết, bà đang từng bước phấn đấu để lên đại lý cấp 1, tuy có khó bởi số lượng các đại lý đã phủ dày đặc khắp nơi cùng với sự cạnh tranh khá khốc liệt nhưng bà sẽ cố gắng. Điều đó chứng tỏ, các đại lý kinh doanh vé số đang thu hút nhiều người tham gia, nó đang là một nghề có độ “hot”.
Vậy mà trong dân gian hiện nay, chúng ta vẫn thường nghe câu cửa miệng: “Lười học là mai mốt đi bán vé số”, “Mày chỉ có nước đi bán vé số chứ làm gì ăn”. Từ thực tế này, có lẽ xã hội nên có một cái nhìn khác về nghề bán vé số. Đó là một nghề lương thiện, đã giúp nhiều người có cuộc sống ấm no, nuôi con ăn học thành tài… Và nếu có cơ hội, nghề bán vé số sẽ là một loại hình kinh doanh có thể làm đổi đời nhiều số phận.
Tất nhiên cũng như nhiều ngành nghề khác, nghề bán vé số cũng có những điểm tối. Ví dụ nạn chăn dắt, lợi dụng trẻ em, người tàn tật đánh vào lòng trắc ẩn của khách hàng để hành nghề, nạn bán vé số cũ, vé số sổ rồi cho khách… Nhưng đấy là một câu chuyện khác mà chúng ta cần phải điều chỉnh, thậm chí lên án.