Những người tấu khúc biệt ly
(DNTO) - Lần thứ hai tôi lại gặp chị là ở nhà bạn tôi, trong khi gia đình bạn đang chuẩn bị đám tang cho mẹ bạn ấy. Lần thứ nhất cách đây hai năm, trong lúc bố tôi ra đi đột ngột, một người hàng xóm đã cho tôi số điện thoại của chị. Chị là chủ cơ sở mai táng P.L.T.
Tổ chức khâm liệm, ma chay an táng cho người chết hay còn gọi là “dịch vụ tang lễ trọn gói”, từ lâu đã trở thành một cái “nghề” rất nghiêm túc của nhiều người. Công việc của chị là đang điều hành một cơ sở chuyên dịch vụ mai táng với ba ê kíp gồm mấy chục nhân viên. Nhưng chị không coi đó là một nghề kinh doanh, không xem cơ sở như một doanh nghiệp và lại càng không muốn mọi người gọi chị là doanh nhân.
Từ bé, chị đã thích làm từ thiện. Chị không có chân trong tổ chức nào nhưng cứ hễ thấy chung quanh mình ai cơ nhỡ, bất hạnh, hoạn nạn là chị giúp ngay không chần chừ, không suy tính. Chị cho rằng con đường dẫn chị đến với nghề này chính là cái duyên, cái nghiệp của mình.
Trước kia gia đình chị kinh doanh xe du lịch. Một lần, gần nhà chị có hai vợ chồng trẻ từ miền Trung vào Sài Gòn ở trọ, đi bán hàng rong. Chẳng may, anh chồng đột ngột qua đời không có tiền thuê xe đưa về quê. Chị chẳng những giúp phương tiện mà còn theo xe về quê phúng điếu chia buồn. Về đến quê, chứng kiến gia cảnh họ nghèo nàn, thiếu thốn, neo người, chị đứng ra lo chu tất hậu sự cho người quá cố.
Trên đường trở lại Sài Gòn, bất chợt trong đầu chị nảy ra ý tưởng sẽ tụ họp một số bạn bè làm công việc hỗ trợ mai táng với mục đích ban đầu là làm thiện nguyện. Nghĩ là làm, may mà chị được ông xã và gia đình ủng hộ. Cái duyên đưa đẩy, nó trở thành “nghề” của chị. Đã gọi là nghề, chị buộc phải am tường nhiều thứ từ các nghi thức hậu sự tùy theo tôn giáo của gia chủ mà tổ chức cho phù hợp, đến sự hiểu biết nhất định về hòm xiểng, quần áo, khăn tang, việc tắm rửa, trang điểm, khâm liệm, xem giờ tốt, giờ xấu... thậm chí làm cả “chuyên gia tâm lý” để ổn định tư tưởng động viên an ủi ngươi nhà, làm luôn công việc “tư vấn tài chính” để giúp khách hàng kiểm soát được chi phí và những khoản có thể phát sinh phù hợp với ngân sách của từng gia đình.3
Thực hiện chu tất một lễ mai táng trang nghiêm, ấm áp giúp người quá cố có một hành trình suôn sẻ sang thế giới bên kia. Đồng thời cũng giúp cho người sống vơi bớt phần nào nỗi đau, cảm thấy thanh thản vì đã hoàn thành trách nhiệm và tâm nguyện với người quá cố. Bởi thế, nghề của chị nghe qua tưởng chỉ là lo cho người ra đi, nhưng thật sự nó bao gồm cả phần việc lo cho người ở lại. Đôi khi chị phải đứng ra thay mặt gia đình xử lý mọi tình huống, đảm bảo lễ tang được diễn ra một cách suôn sẻ, trang trọng, chu toàn nhất. Thậm chí có những gia đình nghèo quá không đủ điều kiện chị còn phải cứu trợ, khi thì hòm rương, khi thì xe cộ, thậm chí đã từng có trường hợp chị miễn phí luôn hoặc cho họ nợ vô thời hạn.
Khi trong nhà ai đó không may có người qua đời, những người làm công việc như chị luôn là người đầu tiên được gọi đến. Mỗi khi nhận được cuộc gọi của khách hàng bất luận ngày đêm, mưa nắng, có khi đang ăn dỡ bữa cơm, chị cũng tức tốc có mặt. Quang cảnh thân nhân người quá cố khóc lóc kể lể, có khi vật vã gào la thảm thiết, đó là cảnh tượng đầu tiên mà chị buộc phải chứng kiến trước khi bắt đầu công việc. Điều này chính là thử thách khó nhất mà bản thân chị phải vượt qua. Đó cũng là nhược điểm duy nhất của người phụ nữ khi làm việc trong ngành dịch vụ tang lễ. Huống hồ chị lại là người rất nhẹ dạ và dễ khóc. Quá trình luyện tập cho mình cứng rắn, mạnh mẽ và quyết đoán đã có lúc chị tưởng mình bỏ cuộc.
Cũng giống như bất cứ nghề nghiệp nào, nghề làm dịch vụ mai táng cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt, không loại trừ cả việc nói xấu, hạ uy tín lẫn nhau. Cái khó nhất của nghề này không phải là nhận làm cho các gia đình nghèo, ít tiền mà chính là với những gia đình khá giả hoặc giàu có. Họ không giới hạn các dịch vụ và giá cả nhưng nhất nhất buộc phải làm theo đúng ý gia chủ. Mà trong nhà họ thì mỗi người một ý. Những khi ấy, chị phải thật sự bình tĩnh dùng lời lẽ phân tích, thuyết phục để hai bên có thể thống nhất ý kiến.
Gần hai mươi năm trong nghề, chị thật sự rất yêu thích công việc của mình. Tuy có vất vả, khó khăn nhưng nó mang đến cho chị sự an yên trong tâm hồn và cuộc sống. Cũng phải nhìn nhận thực tế là nó mang đến cho chị thu nhập đủ trang trải nhu cầu thường nhật của gia đình.