Nhiều tòa án Trung Quốc đã chấp nhận 'bằng chứng' được lưu trữ bằng blockchain
(DNTO) - Các phòng xử án thường chậm áp dụng công nghệ mới. Blockchain đã làm điên đảo thế giới kinh doanh trong vài năm qua, nhưng khi nói đến thế giới pháp lý truyền thống, việc sử dụng công nghệ blockchain vẫn chưa phát triển mạnh mặc dù tiềm năng mà nó đem lại rất lớn.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 có thể đóng một vai trò trong việc thúc đẩy việc sử dụng blockchain trong phòng xử án, để tạo điều kiện thuận lợi cho các phiên điều tra trực tuyến cũng như thu thập và trình bày bằng chứng.
Nhiều tòa án Trung Quốc chấp nhận bằng chứng blockchain
Vừa qua, ngày 20/3 tòa án nhân dân quận Saihan, thành phố Hohhot, khu tự trị Nội Mông đã tổ chức phiên tòa trực tuyến xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài chính và tuyên án trước tòa. Đây là trường hợp đầu tiên tại tòa án quận sử dụng "xác minh bằng chứng blockchain". Tòa án đã sử dụng hợp đồng để xem xét bằng chứng của nguyên đơn và bị đơn và đưa ra phán quyết của mình mà không có sự phản đối từ bên nào.
Trước đó, một vụ án về sở hữu trí tuệ do Tòa án Khu Thương mại Tự do Tứ Xuyên, Trung Quốc đã chấp nhận bằng chứng được lưu trữ bằng blockchain trong một vụ vi phạm bản quyền. Trong trường hợp này, công ty truyền thông văn hóa của nguyên đơn đã sử dụng blockchain gắn với bản quyền của bài hát "Passenger" và hành vi xâm phạm công ty công nghệ máy tính của bị đơn. Nguyên đơn cáo buộc bị đơn ăn cắp bản quyền tác phẩm âm nhạc và sử dụng nó vì lợi nhuận thương mại.
Tòa án này chấp nhận bằng chứng blockchain do nguyên đơn cung cấp, mà bị đơn không có bằng chứng để bác bỏ, và đưa ra phán quyết vi phạm, yêu cầu bị đơn bồi thường cho nguyên đơn 20.000 nhân dân tệ (3.142 USD).
Vào ngày 15/3 vừa qua, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc cho biết trong Kỳ họp thứ năm của Đại hội đại biểu nhân dân rằng 1,71 tỷ mẫu bằng chứng đã được lưu trữ trên các blockchain để phục vụ các phiên tòa xét xử.
Những ý kiến điển hình
Công nghệ blockchain là một phương tiện quan trọng để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong các vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên Internet. Đồng thời, công nghệ blockchain ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng sẽ thúc đẩy toàn diện việc xây dựng các tòa án thông minh, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống xét xử và năng lực xét xử - Thẩm phán Tòa án Tòa án Khu Thương mại Tự do Tứ Xuyên có nhận xét khá tích cực.
Yang Kai, trưởng khoa, giáo sư và tiến sĩ của Đại học Khoa học Chính trị và Luật Đông Trung Quốc tin rằng, việc ứng dụng công nghệ lưu trữ bằng chứng blockchain trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ giải quyết tốt thực trạng chi phí thu thập thông tin và lưu trữ chứng cứ điện tử cao.
Việc lưu trữ bằng chứng điện tử của công nghệ blockchain đã mở ra một không gian ứng dụng lớn hơn trong các lĩnh vực tư pháp dân sự và dịch vụ tố tụng, dịch vụ pháp lý công và dịch vụ không tố tụng, mở rộng phạm vi của các dịch vụ pháp lý công về lưu trữ bằng chứng điện tử.