Nhiều kỳ vọng từ VNX
(DNTO) - Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) chính thức ra mắt từ hôm nay, 11/12, được nhận định là bước tiến mới của thị trường trong nước.
Sự ra đời của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam nằm trong “Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011 - 2020” và “Đề án Tái cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến 2025”.
Tháng 2 vừa qua, Thủ tướng ký Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg, có hiệu lực từ ngày 20/2, đã chính thức hiện thực hóa các chủ trương chiến lược phát triển thị trường trong nước với sự ra đời của VNX.
Đến tháng 3, VNX đã hình thành bộ máy nhân sự quản lý; tháng 4 hoàn thành điều lệ hoạt động; tháng 6 ban hành điều lệ của hai sở HoSE và HNX; tháng 8, hai sở chính thức trở thành công ty con của VNX và tháng 11 vừa qua, VNX chính thức tiếp nhận quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu.
Về cơ bản, VNX được hình thành trên cơ sở sáp nhập hai sở con là HoSE và HNX, trong đó VNX là công ty mẹ, có chức năng quản lý các công ty con là HoSE và HNX, ban hành các quy chế nghiệp vụ, định hướng phát triển về công nghệ, sản phẩm mới, do đó sẽ hoạt động trên cơ sở kế thừa thành tựu của hai sở.
Trả lời báo chí hồi tháng 2, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, khẳng định, HoSE và HNX sẽ có sự điều chỉnh về chức năng và nhiệm vụ so với giai đoạn trước đây.
"HNX sẽ tập trung chủ yếu tổ chức, vận hành thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh, thị trường giao dịch trái phiếu (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp); trong khi HoSE sẽ tập trung chủ yếu tổ chức, vận hành thị trường giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán có tính chất giao dịch như cổ phiếu", ông Dũng cho biết.
Theo ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNX, sự ra đời của VNX sẽ là bước tiến mới của thị trường chứng khoán trong nước. Thực tế trước đây, HoSE và HNX phát triển chưa có sự đồng bộ, kết nối lẫn nhau. Phương thức giao dịch, kỹ thuật giao dịch hay hạ tầng công nghệ đều có sự khác biệt. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường phát triển mạnh cùng với những tiến bộ về công nghệ thì sự thống nhất quy về chung một đầu mối, cùng phối hợp và cùng hỗ trợ lẫn nhau là vô cùng cần thiết.
Ngoài ra cũng theo ông Long, chính điều trên đã khiến Việt Nam thiếu chỉ số chung đại diện đầy đủ cho toàn thị trường, đại diện cho cả nền kinh tế… "Điều này phần nào ảnh hưởng tới vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như tiến trình nâng hạng thị trường", ông Long nhận định.
Phát biểu tại buổi ra mắt hôm nay, 11/12, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, sự ra đời của VNX không nằm ngoài quy luật tự nhiên, đây là xu hướng chung hiện nay góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, tăng quy mô để tạo ra thị trường lớn, hấp dẫn với nhiều sản phẩm đa dạng, thu hút dòng vốn quốc tế.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái mong muốn ngành chứng khoán nói chung và VNX nói riêng phát huy thành tích, đồng thời phấn đấu, nỗ lực đổi mới mạnh mẽ, nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để thị trường chứng khoán lành mạnh và chất lượng hơn nữa.