Nghịch lý Elon Musk: xe điện Tesla và Bitcoin
(DNTO) - Musk muốn xe điện Tesla thành công đến mức cả thế giới sẽ từ bỏ dùng xe chạy xăng dầu, nhưng lại chi một khoản lớn từ đây để đầu tư vào Bitcoin, công nghệ sử dụng nguồn điện năng khổng lồ.
Xe điện Tesla chưa chắc là công nghệ hoàn toàn thân thiện với môi trường
Tesla lần đầu gây chú ý bằng việc ra mắt mẫu xe Tesla Roadster, chiếc xe thể thao đầu tiên chạy hoàn toàn bằng điện. Dòng xe thứ hai của công ty là mẫu Model S, một chiếc Sedan hạng sang chạy bằng năng lượng điện.
Mẫu xe điện thể thao đầu tiên, Tesla Roadster 2008, với giá khởi điểm 109.000 USD/chiếc, bán được khoảng 2.500 đơn vị tới 31 quốc gia.
Đại diện của Tesla cho rằng “những chiếc xe điện thải ra ít hơn 4 lần CO2 so với những xe chạy bằng xăng”. Tuy nhiên con số ô nhiễm của xe điện vẫn đáng để lưu ý.
Giải thích một cách đơn giản, xe điện không sử dụng xăng, nhưng nó vẫn phải đốt khí Carbon để sản sinh năng lượng. Và điều đó phụ thuộc vào việc sản xuất điện tại địa phương.
Vấn đề thân thiện với môi trường lại càng khó xác định hơn khi xét đến các hình thức gây thiệt hại môi trường khác. Xe điện cần phải nhẹ, có nghĩa là chúng cần rất nhiều các kim loại quý hiếm. Như các lithium trong pin: siêu nhẹ và dẫn điện - đó là cách có thể nhận được nhiều năng lượng nhất mà không trở nên cồng kềnh. Kim loại quí hiếm để đạt hiệu suất cao mà không gây ô nhiễm được đặt nhiều chỗ trong xe từ đèn pha cho đến các vi mạch điều khiển điện tử.
Nhưng những kim loại hiếm đến từ một nơi nếu ko phải các mỏ khai thác đang phá hoại tài nguyên? Không chỉ Tesla mà mọi hãng xe điện khác cũng phải đối diện với vấn đề này. Ngay cả tấm pin mặt trời làm từ kim loại hiếm có thể đã được khai thác từ nơi nào đó theo cách không hề thân thiện với môi trường.
Trong thực tế, sản xuất một chiếc xe điện tạo ra khí thải carbon lớn hơn quá trình chế tạo một chiếc xe thông thường.
Công ty đầu tư chuyên về định giá công ty công nghệ Devonshire Research Group đã nghiên cứu dữ liệu của hãng này và kết luận: “Tesla đã quá thổi phồng khả năng bảo vệ môi trường của sản phẩm”.
Tuy vậy, không thể phủ nhận sự nỗ lực của Tesla và CEO Elon Musk trong việc hạn chế các phương tiện sử dụng xãng dầu nhằm mục đích bảo vệ môi trường.
Nhưng Bitcoin chắc chắn đang là nỗi lo hiện hữu đối với môi trường
Nguồn tin từ Bloomberg cho biết công ty xe điện Tesla Inc. đã dành ra đến 1,5 tỷ USD để đầu tư vào Bitcoin. Bên cạnh đó, hãng sản xuất xe điện cũng sẽ sớm chấp nhận đồng tiền điện tử này là một phương tiện thanh toán hợp lệ.
Trong báo cáo 10-K hàng năm của mình với SEC vào những ngày đầu năm nay, hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk đã tiết lộ khoản đầu tư mới vào Bitcoin. Tesla cũng cho biết sẽ “bắt đầu chấp nhận Bitcoin như một hình thức thanh toán cho các sản phẩm trong tương lai gần”.
Theo Nikkei Asian Review, việc tỷ phú Musk gom một khoản tiền mặt lớn của Tesla để mua Bitcoin khiến nhiều chuyên gia tài chính ngạc nhiên, bởi hãng xe điện này không thực sự sở hữu nhiều tiền mặt dù giá trị vốn hóa lên đến hơn 783 tỷ USD.
"Việc Tesla chi tới 8% tiền mặt để mua Bitcoin cho thấy công ty này có niềm tin lớn với giá trị của đồng tiền mã hóa", Nikkei dẫn lời chuyên gia Lennix Lai thuộc sàn giao dịch tiền mã hóa OKEx nhận định.
Tuy vậy, việc đầu tư vào đồng tiền ảo này lại đang đi ngược lại các nỗ lực môi trường mà ông chủ hãng xe điện đã từng làm.
Trong một năm, ước tính New Zealand thải ra môi trường 37 triệu tấn CO2. Bitcoin cũng tương đương thế. Thuật toán Bitcoin đòi hỏi sức mạnh vi tính cực lớn. Do đó, Digiconomist xác định một giao dịch Bitcoin tạo ra lượng CO2 tương đương 706.756 lần quẹt thẻ tín dụng Visa.
Để khai thác Bitcoin, dân đào tiền mã hóa phải đầu tư dàn máy tính công suất lớn với mục tiêu xử lý hàng loạt mã toán học phức tạp. Tùy vào quy mô, các mỏ đào Bitcoin có thể có đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn máy đào. Những chiếc máy này tiêu thụ nhiều điện năng, phần đa nguồn năng lượng này đến từ nhiên liệu hóa thạch như than đá.
Nhưng nếu như hàng triệu máy tính cùng kết nối với nhau, thì mức tiêu thụ năng lượng là rất lớn… Vì vậy trang web Quell Energie từng khuyến cáo người dùng máy tính nên theo dõi việc tiêu thụ năng lượng trong hệ thống máy tính của họ và cảnh báo họ về các nguy hiểm của đồng Bitcoin.
Theo dữ liệu mới nhất từ Đại học Cambridge và Cơ quan Năng lượng Quốc tế, với tốc độ hiện tại, lượng điện năng tiêu thụ xuất phát từ quá trình khai thác Bitcoin tương đương với đất nước Hà Lan vào năm 2019.
Mỗi ngày, các thợ “đào” Bitcoin mới sẽ tham gia vào quá trình xác minh các giao dịch và thêm chúng vào Blockchain. Điều này không những làm tăng nhu cầu sản xuất điện mà còn làm tăng lượng phát thải khí cacbon.
Phương thức giao dịch này cũng dẫn đến việc ra đời rất nhiều công ty tại những quốc gia có giá điện rẻ nhất. Trong khi một số hệ thống Blockchain đang ngày càng phát triển, thì sự phát triển của đồng Bitcoin và các đồng tiền ảo khác lại gây ra nguy hiểm cho môi trường.