Cơn sốt bitcoin và cơn ác mộng với môi trường
(DNTO) - Trong một năm, ước tính New Zealand thải ra môi trường 37 triệu tấn CO2. Bitcoin cũng tương đương thế.
Thuật toán Bitcoin đòi hỏi sức mạnh vi tính cực lớn. Do đó, Digiconomist xác định một giao dịch Bitcoin tạo ra lượng CO2 tương đương 706.756 lần quẹt thẻ tín dụng Visa.
Để khai thác Bitcoin, dân đào tiền mã hóa phải đầu tư dàn máy tính công suất lớn với mục tiêu xử lý hàng loạt mã toán học phức tạp. Tùy vào quy mô, các mỏ đào Bitcoin có thể có đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn máy đào. Những chiếc máy này tiêu thụ nhiều điện năng, phần đa nguồn năng lượng này đến từ nhiên liệu hóa thạch như than đá.
Đây là lý do vì sao chúng ta gọi đây là đồng tiền phân quyền, vì loại tiền này không do ngân hàng hay bất kỳ một thực thể cố định nào, mà do vô số người dùng máy tính. Trong các giao dịch, mỗi thợ “đào” Bitcoin sẽ nhận được phần trăm hoa hồng để trả công cho sự tham gia của họ.
Nhưng nếu như hàng triệu máy tính cùng kết nối với nhau, thì mức tiêu thụ năng lượng là rất lớn… Vì vậy trang web Quell Energie từng khuyến cáo người dùng máy tính nên theo dõi việc tiêu thụ năng lượng trong hệ thống máy tính của họ và cảnh báo họ về các nguy hiểm của đồng Bitcoin.
Theo dữ liệu mới nhất từ Đại học Cambridge và Cơ quan Năng lượng Quốc tế, với tốc độ hiện tại, lượng điện năng tiêu thụ xuất phát từ quá trình khai thác Bitcoin tương đương với đất nước Hà Lan vào năm 2019.
Mỗi ngày, các thợ “đào” Bitcoin mới sẽ tham gia vào quá trình xác minh các giao dịch và thêm chúng vào Blockchain. Điều này không những làm tăng nhu cầu sản xuất điện mà còn làm tăng lượng phát thải khí cacbon.
Phương thức giao dịch này cũng dẫn đến việc ra đời rất nhiều công ty tại những quốc gia có giá điện rẻ nhất. Trong khi một số hệ thống Blockchain đang ngày càng phát triển, thì sự phát triển của đồng Bitcoin và các đồng tiền ảo khác lại gây ra nguy hiểm cho môi trường.
Bitcoin không là vô tận
Theo thiết kế ban đầu, sẽ chỉ có 21 triệu đồng Bitcoin được khai thác. Đến nay, con người đã “đào” được hơn 18 triệu Bitcoin. Để đảm bảo con số này, trung bình cứ 10 phút thì một khối mới trong chuỗi khối sẽ được tạo ra.
Bên cạnh đó còn có một quy tắc khác được gọi là Bitcoin halving. Cứ sau 210.000 khối, tương đương khoảng 4 năm, lượng Bitcoin là phần thưởng cho việc tạo khối sẽ bị giảm đi một nửa.
Theo Investopedia, đến cuối tháng 12/2020 đã có khoảng 18,5 triệu Bitcoin được tạo ra, và chỉ còn khoảng gần 3 triệu Bitcoin trong tương lai. Tuy nhiên, lượng Bitcoin còn tồn tại và lưu hành là ít hơn, bởi gần 20% đã bị mất khi người dùng đánh mất khóa bí mật hoặc ổ cứng lưu trữ.
Với “con buôn” Bitcoin, những người chỉ giao dịch để kiếm lời, thì việc lượng Bitcoin giới hạn sẽ là tin mừng cho họ. Bitcoin càng khan hiếm, giá của mỗi đồng sẽ càng cao.