Nghẽn lệnh là bài học lớn cho thị trường
(DNTO) - Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE thời gian qua là bài học lớn cho thị trường, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay. Chúng ta còn quá chậm chạp, thiếu quyết liệt trong xử lý nên dẫn đến tình trạng như vậy.
Nghẽn lệnh trên sàn HoSE là bài học lớn cho thị trường
Tại Tọa đàm “Chuyển đổi số và tương lai thị trường” diễn ra sáng nay (30/6), chia sẻ thông tin về tiến trình xử lý nghẽn lệnh trên thị trường chứng khoán, ông Phạm Hồng Sơn - Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, nghẽn lệnh là sự cố không mong muốn. Từ 12/6 đến nay, lượng giao dịch trên thị trường gấp 4 lần so với ngày thường, hệ thống lại cũ nên xảy ra tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE.
“Thời gian qua, HoSE đã rất nỗ lực để giải quyết vấn đề này. Nhưng giải pháp căn cơ hơn là FPT đã vào cuộc để xử lý. Theo báo cáo của HoSE, hiện nay mọi vấn đề đã được giải quyết hoàn tất. Cố gắng đến đầu tháng 7 này sẽ xử lý xong. Với số lượng lệnh của hệ thống mới tăng gấp 3-4 lần, với quy mô giao dịch lớn như hiện nay (khoảng 3 triệu lệnh/phiên), nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn với hệ thống mới khi không còn nghẽn lệnh nữa”, ông Sơn bày tỏ.
Cũng liên quan đến câu chuyện nghẽn lệnh trên sàn HoSE thời gian qua, ở góc độ là chuyên gia độc lập, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh bày tỏ quan điểm: Tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE thời gian qua là bài học lớn cho thị trường, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay.
“Chuyển đổi số là cuộc cách mạng. Nhưng để làm được cuộc cách mạng đó, chúng ta phải có sự đột phá. Thứ hai là tốc độ và quyết liệt trong xử lý. Chúng ta vẫn còn quá chậm chạp mới dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh như đã thấy. Thứ ba là vấn đề ứng xử. Chúng ta cần phải ứng xử đàng hoàng khi những sự cố xảy ra, cần phải sử dụng trọng tài ở những trường hợp cụ thể, thậm chí ra tòa trong tương lai. Tôi cho rằng Ủy ban Chứng khoán phải khẩn trương cải cách, đồng thời phải nghĩ rộng hơn. Có như vậy thị trường mới phát triển”, ông Thành nói.
Làm gì để đánh thức dòng tiền ngủ quên?
Khi bàn về dòng tiền và các sản phẩm tài chính trong tương lai, TS. Võ Trí Thành cho rằng, có nhiều nhóm ngành hấp dẫn dòng tiền của nhà đầu tư. Với cách nhìn truyền thống, nhóm ngành du lịch, nông nghiệp, khai khoáng... rất được các nhà đầu tư quan tâm. Nhưng với nhu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ, nhóm ngành chế biến, chế tạo, công nghệ... cũng rất hấp dẫn dòng tiền.
“Hiện chuỗi cung ứng đứt gãy, con chip thiếu trên toàn cầu, như thế, doanh nghiệp nào làm lĩnh vực này sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Nhóm nữa là sàn giao dịch cho các startup. Việc này liên quan nhiều đến chuyển đổi mô hình kinh doanh. Nhóm nữa là sản xuất nội dung số. Đây là nhóm lĩnh vực hấp dẫn từ phim ảnh, quảng cáo, Tiktok…”, TS. Võ Trí Thành nhận định.
Ông Phạm Vũ Thăng Long - Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô, Công ty Chứng khoán HSC đánh giá: Nếu nói về triển vọng thị trường trong ngắn hạn từ nay đến 2022, những ngành hưởng lợi sẽ gắn với nền tảng kinh tế như dược phẩm, giao thông vận tải, du lịch, công nghệ, giáo dục…
“Hiện tỷ lệ tiêm phòng vaccine của Việt Nam tương đối thấp so với khu vực, ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông vận tải, du lịch. Nhưng nếu ta cam kết được lượng vaccine đủ lớn, hy vọng khi đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng, kinh tế mở cửa trở lại, các quốc gia cho phép giao thương, chúng ta sẽ thấy những ngành tiềm năng”, ông Long nói.
TS. Võ Trí Thành cũng nhấn mạnh, tiềm năng của thị trường chứng khoán rất lớn. Cơ hội 6 tháng tới cho nhà đầu tư rất nhiều, nhưng khó khăn, thách thức và rủi ro cũng không ít.
“Nói cụ thể hơn, Việt Nam vẫn là nền kinh tế hấp dẫn, chúng ta tiếp tục cải cách, có nền tảng hạ tầng, độ kết nối của Việt Nam với toàn cầu rất lớn, vì có nhiều hiệp định FTA. Trong những hấp dẫn dài hạn ấy thì thị trường chứng khoán là bộ phận hữu cơ. Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán có chiến lược 10 năm để phát triển thị trường, có Luật Chứng khoán với những cải tổ mạnh mẽ, và đó là những yếu tố đáp ứng nhu cầu thị trường và của nhà đầu tư”, ông Thành phân tích.
Nhưng bên cạnh sự lạc quan, TS. Võ Trí Thành cũng chỉ ra những điểm đáng lưu tâm. Đó là quá trình phục hồi của Việt Nam gặp nhiều trục trặc. Thứ nhất là khan hiếm nguyên liệu; giá cả tăng; có điều chỉnh về chính sách tiền tệ. Thứ nữa, logistics chưa đáp ứng được nhu cầu. Đặc biệt, dịch Covid-19 “đánh” vào các trung tâm sản xuất lớn trong nước như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM, Bình Dương..., nên rủi ro còn nhiều.
“Thị trường chứng khoán không thể tách rời mà đồng hành với sự phát triển của nền kinh tế. Với sự quyết liệt của Chính phủ, hy vọng cuối năm nay khi đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, chúng ta sẽ có triển vọng tốt, sẽ có nét mới để phát triển. Nhưng đi kèm với đó vẫn là sự cẩn trọng”, TS. Võ Trí Thành nói.