Nghề biến 'boss' thành 'coach'
(DNTO) - Coach (khai vấn, huấn luyện) được xem là ngành công nghiệp tỷ đô và được chú ý nhiều hơn trong đại dịch Covid-19. Nhưng đằng sau mức thu nhập “khủng” của những người làm nghề là áp lực luôn phải “giỏi hơn các chủ doanh nghiệp”.
Coach bùng nổ trong đại dịch
Những năm gần đây, coaching nằm trong nhóm những ngành phát triển nhanh nhất. Theo Liên đoàn Khai vấn Quốc tế ICF, tổng doanh thu ngành đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 21% trong năm 2019. Thu nhập trung bình hàng năm (chỉ tính riêng từ coaching) khoảng 33.600 USD (tại châu Á) và 62.500 USD (tại Bắc Mỹ).
Đặc biệt, cuộc khủng hoảng “kép” từ đại dịch Covid-19 đã buộc hàng loạt doanh nghiệp tìm đến coach như chiếc “phao cứu sinh” cuối cùng để vực dậy doanh nghiệp của mình.
Ông Bùi Cao Sơn, nhà huấn luyện doanh nghiệp tại Action Coach Sota Firm (Sota Coach) cho biết, huấn luyện doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh dịch bệnh. Tại đơn vị này, năm 2021 ghi nhận số lượng doanh nghiệp tham gia huấn luyện bằng 3 năm trước cộng lại. Thậm chí có ngày, một công ty có đến 2-3 chương trình huấn luyện.
“Khi cuộc khủng hoảng diễn ra, doanh nghiệp không còn nhiều lợi thế. Để linh hoạt thay đổi, doanh nghiệp buộc phải có nội lực bên trong. Đó là lý do trong 2 năm qua, không chỉ các chủ doanh nghiệp (boss), quản lý cấp cao mà cả các bạn trẻ, sinh viên cũng dành thời gian cho việc học. Thậm chí có những lúc, thời gian học của họ nhiều hơn thời gian làm”, ông Sơn nói.
Nhân bản coach trong doanh nghiệp
Trong hơn 5 năm làm nghề, ông Sơn cho biết, trường hợp những chủ doanh nghiệp tìm đến nhà huấn luyện cũng muôn hình, muôn vẻ.
Có nhiều lãnh đạo gặp vấn đề nhưng lại cho rằng đó là lỗi của đội ngũ chứ không phải chính họ, hoặc đổ lỗi cho thiên tai, dịch bệnh… thậm chí phủ nhận những đóng góp của nhân viên. Có người chỉ tập trung làm việc chuyên môn, thậm chí làm thay nhân viên vì ‘đợi họ làm thì chậm tiến độ’. Có người tìm đến coach mong giúp thay họ giải quyết vấn đề trong doanh nghiệp…
Lúc này, nhiệm vụ của các nhà huấn luyện là đặt ra những câu hỏi để dẫn dắt học viên nhìn ra vấn đề, biết phương pháp giải quyết vấn đề và chính họ là người phải bắt tay vào làm. Nếu nhà huấn luyện làm thay, lần sau họ không biết cách giải quyết.
Để trở thành người dẫn dắt doanh nghiệp, bản thân nhà huấn luyện cũng phải học tập liên tục. Mục tiêu cuối cùng của việc huấn luyện là giúp các chủ doanh nghiệp và quản lý cấp cao trở thành những nhà huấn luyện trong chính doanh nghiệp của họ.
Bên cạnh đó, văn hóa học tập trong doanh nghiệp cũng phải được tiến hành liên tục, đồng đều với mọi đối tượng. Bởi theo ông Sơn, nếu chủ doanh nghiệp chỉ tập trung phát triển bản thân mà đội ngũ không học tập sẽ tạo ra khoảng cách ngày càng lớn, dẫn đến tư duy, nhận thức khác nhau, góc nhìn giải quyết công việc khác nhau, công việc không chạy được. Điều này chưa chắc tốt mà còn tệ hơn là năng lực ông chủ và nhân viên gần nhau.
“Một trong những mục tiêu cuối cùng của việc huấn luyện là giúp các chủ doanh nghiệp và quản lý cấp cao trở thành những nhà huấn luyện trong chính doanh nghiệp của họ. Với mỗi nhân sự, họ phải tạo ra được một lộ trình đào tạo, ví dụ công ty sẽ phải cung cấp kỹ năng gì để nhân viên làm chủ công việc và có thể lên được chuyên viên, quản lý, tiếp tục đào tạo những người khác”, ông Sơn nói.
Boss học 1, Coach phải học 10
Để trở thành người dẫn dắt doanh nghiệp, bản thân nhà huấn luyện cũng phải học tập liên tục. Trong đại dịch, Sota Coach cũng phải đào tạo nhiều hơn. Mỗi ngày, ông Sơn đều phải dành 1 tiếng đọc sách và dành thời gian vào hệ thống Action Coach toàn cầu để học.
Đối với các coach khác, mỗi tuần sẽ có 2 buổi livestream, không chỉ chia sẻ kiến thức mà quan trọng hơn, đây là cách các nhà huấn luyện tự học, vì dù chỉ với 1 giờ livestrem nhưng họ phải chuẩn bị rất lâu trước đó.
“Bản thân nhà huấn luyện cũng gặp những chủ doanh nghiệp rất giỏi, họ đã kinh qua nhiều tình huống, có rất nhiều kiến thức, chỉ có điểm mù ở một góc nào đó thôi. Vì vậy, chủ doanh nghiệp học một thì nhà huấn luyện phải học 10 mới dẫn dắt được họ”, ông Sơn cho hay.