Miếng thịt trên bàn nhậu của các đại gia
(DNTO) - Đằng sau nhiều bữa tiệc cuối năm của các đại gia là số phận hàng loạt loài thú rừng, trong đó có những loài nguy cơ biến mất hoàn toàn trên trái đất.
Những dấu chân biến mất
Đi săn từ tuổi 15, Tráng A S. (35 tuổi, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, Sơn La) là người rõ nhất sự thay đổi của sinh vật trong các cánh rừng Hua Tạt. Trước đây, đất rừng Hua Tạt chi chít dấu chân các loài thú, giờ chỉ còn dấu chân người.
Nhu cầu thưởng thức thịt thú rừng của các đại gia miền xuôi ngày càng cao đã kích thích cánh thợ săn Vân Hồ hoạt động ngày càng tích cực. Những người chỉ săn các loại thú nhỏ (chuột, dúi) để cải thiện bữa ăn như A S. không ít lần nhìn thấy nhiều chú hươu, sơn dương… quằn quại trong những chiếc bẫy được thiết kế tỉ mỉ chuyên bắt các loại thú lớn.
Săn bắt vốn là tập quán của người H’Mông ở Vân Hồ, họ cũng có nguyên tắc riêng khi săn như không lấy thú của người khác, không bắn vượn vì “một mạng vượn đổi một mạng người”… Thế nhưng, theo lời kể của một già làng Hua Tạt, tập quán săn bắt của người H’Mông đã bị mai một, ngày nay vì lợi nhuận, những thợ săn thương mại chẳng nghĩ gì đến việc “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.
Bởi lẽ, 5-7 triệu đồng cho một con nai, hoẵng, cầy hương…, thậm chí số tiền cao hơn với những con vật quý hiếm, là món hời khá lớn với các tay săn quanh năm sống dựa vào một hai vụ rau màu cằn cỗi hay những người không có công ăn việc làm, đã bán đất, bán nhà vì ma túy.
“Lâu lắm rồi tôi không còn nhìn thấy cu li, khỉ, gấu…, có thể chúng đã bị tuyệt chủng; có thể chúng quá sợ, phải lẩn vào lõi rừng”, A.S kể.
Nguyễn Văn Thái, nhà bảo tồn Việt Nam đầu tiên nhận Giải thưởng ‘Nobel Xanh’ (Goldman Environmental Prize 2021) ước có thêm một lần nhìn thấy hình ảnh con tê tê vàng.
“Năm 10 tuổi, khu vườn mít đối diện nhà tôi ở gần rừng Quốc gia Cúc Phương đầy những lỗ tê tê, hàng ngày chúng tôi đều nhìn thấy tê tê vàng. Nhưng 16 năm nay, chúng tôi hay các tổ chức ở Việt Nam chưa bao giờ chụp được hình ảnh hoặc ghi nhận thông tin về loài vật này. Hổ thì chắc chắn hết rồi, dù trong một số báo cáo còn khoảng dưới 5 cá thể hổ ở Việt Nam, nhưng cá thể hổ cuối cùng chụp được ở rừng Quốc gia Pù Mát là cách nay hơn 20 năm”, ông Thái chia sẻ.
Còn “cầu” ắt còn “cung”
Việt Nam vẫn đang là điểm nóng tiêu thụ, trung chuyển động vật hoang dã. Nghiên cứu trên Internet của Trung tâm CCD cho thấy, có 1.097 vụ rao bán với khoảng hơn 11.000 cá thể động vật hoang dã tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2021.
Cuộc điều tra với 50 nhà hàng trên địa bàn TP Hà Nội của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam cũng ghi nhận có tới 42 cơ sở vẫn ngang nhiên buôn bán các loại động vật rừng, thậm chí có cả những loại động vật quý hiếm như cá thể kỳ đà vân, loài bị nghiêm cấm buôn bán kinh doanh dưới mọi hình thức.
Đáng buồn, những người tiêu dùng sản phẩm từ động vật hoang dã chủ yếu là các đại gia. Bởi lẽ, một bữa tiệc hay những sản phẩm từ động vật hoang dã (thịt, vảy, sừng, da…) có giá hàng chục, hàng trăm, thậm chí cả tỷ đồng cũng không sá gì so với thú vui, sự thỏa mãn khi thưởng thức, sở hữu hay những hợp đồng kinh tế triệu đô mà các đại gia có thể thỏa thuận được. Vì mối quan tâm duy nhất của họ chính là việc “đánh bóng” bản thân, lợi ích kinh tế, chứ không phải những con vật đang biến mất dần nơi rừng xanh.
Vì vậy, trong mọi buổi thuyết trình tại các hội nghị, hội thảo, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam Nguyễn Văn Thái đều mở đầu bằng một câu hỏi ai cũng đã từng nghĩ tới: “Vì sao nên bảo tồn động vật hoang dã, chúng ta ở thành thị liên quan gì đến rừng và động vật?”.
“Khi chúng ta bắt kể cả thú nhỏ như chuột, sẽ khiến các loài rắn mất thức ăn, buộc phải di chuyển xuống trang trại, nhà ở của người dân để bắt vật nuôi, rất nguy hiểm cho con người. Chưa kể nhiều đối tượng săn bắn hiện nay rất manh động, gây mất trật tự xã hội, gây ra nhiều câu chuyện thương tâm”, ông Thái tâm sự.
Các đại gia chắc hẳn không xa lạ với quy luật cơ bản của thị trường: Có “cung” ắt có “cầu”. Khi “cầu” vẫn còn và ngày càng tăng, thì dù các thiết chế pháp luật ngày một thắt chặt, các nhà bảo tồn nỗ lực gấp ngàn lần, vẫn sẽ có những đối tượng bất chấp nguy hiểm, sự tồn vong của sinh vật để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Câu chuyện bảo vệ động vật hoang dã vì vậy cần bắt đầu từ chính những đại gia – người đang có nhu cầu rất lớn về sản phẩm này.
Câu chuyện bảo vệ động vật hoang dã cần bắt đầu từ chính những đại gia – người đang có nhu cầu rất lớn về sản phẩm này.