'Ngày mai ta bỏ đi, trần gian xin trả lại' - chia tay ông, nhạc sĩ Phú Quang
(DNTO) - Tác giả của những bản tình ca nổi tiếng về Hà Nội được nhiều người yêu mến - nhạc sĩ tài hoa Phú Quang đã giã từ cõi tạm vào lúc 8g45 phút ngày 8/12 tại Hà Nội. Ông ra đi, để lại tiếc thương cho nhiều bạn bè và hàng triệu khán giả yêu mến.
Thông tin từ gia đình nhạc sĩ Phú Quang cho biết, ông ra đi tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt-Xô sau một thời gian dài nằm điều trị vì biến chứng của bệnh tiểu đường, hưởng thọ 72 tuổi.
Nhạc sĩ Phú Quang từng chia sẻ với truyền thông, ông bị bệnh tiểu đường nhiều năm, nhưng vẫn luôn giữ tinh thần vui vẻ lạc quan, lúc nào cũng miệt mài làm việc. Tuy nhiên, khi bệnh biến chứng nặng, ông phải nhập viện trong hai năm qua để điều trị.
Gia đình cho biết, những ngày cuối đời, nhạc sĩ yếu đi nhiều, ông không thể nói và di chuyển. Hàng ngày, người nhà cùng các con của ông phải thay phiên nhau chăm sóc.
Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949 tại Cẩm Khê (Phú Thọ), ông là một trong số ít những nhạc sĩ tài hoa có nhiều sáng tác để đời được hàng triệu khán giả yêu thích trong nhiều năm qua như: Khúc mùa thu, Em ơi! Hà Nội phố (thơ: Phan Vũ), Đâu phải bởi mùa thu, Nỗi nhớ mùa đông, Dương cầm lạnh (thơ Dương Tường), Biển, nỗi nhớ và em, Mơ về nơi xa lắm, Im lặng đêm Hà Nội, Hà Nội ngày trở về, Về lại phố xưa, Nỗi buồn, Thương lắm tóc dài ơi, Mẹ, Chiều phủ Tây Hồ,…
Ông còn sáng tác khí nhạc (nổi tiếng với bài Khát vọng) và nhạc phim (Bao giờ cho đến tháng Mười). Ông từng phát hành hơn 15 album: Cho một người tình xa; Một dại khờ, một tôi; Trong ánh chớp số phận; Mơ về nơi xa lắm; Điều giản dị; Về lại phố xưa; Ngoảnh lại, 13 chuyện bình thường; Phố cũ của tôi, Mùa hạ còn đâu, Có một vài điều anh muốn nói với em…
Nhạc sĩ Phú Quang được xem là bậc thầy trong việc chọn phổ thơ. Các ca khúc được ra đời với ca từ phù hợp có nội dung sâu sắc từng chinh phục nhiều trái tim yêu nhạc.
Sinh thời, Phú Quang là người kỹ tính, ông luôn chăm chút và không thích những ca sĩ hát sai lời hoặc chưa thẩm thấu hết tình cảm mà ông trao gửi. Các album, đêm nhạc của Phú Quang luôn được khán giả chờ đợi và luôn cháy vé.
Càng được yêu mến, Phú Quang càng chỉn chu, ông mong muốn mang đến những sản phẩm âm nhạc chất lượng đúng với thương hiệu mà mình dày công tạo dựng.
"Sống ở đời, có thể có người yêu mình, có người ghét mình nhưng mình sống sao để không ai có thể coi thường được mình, kể cả khi đối diện với chính bản thân mình. Tôi luôn nói với các con rằng hạnh phúc nhất của con người là được sống trong tình yêu thương của mọi người…”, nhạc sĩ Phú Quang từng khẳng định.
Những năm đầu thập kỷ 90, Phú Quang vào TP.HCM lập nghiệp, những ngày tháng sống tại miền Nam nắng ấm quanh năm dường như càng làm ông nhớ quay quắt những ngày mùa thu, nhớ cái lạnh tê tái của Hà Nội trong những ngày đông giá. Điều này đã giúp Phú Quang thêm nhiều cảm xúc để cho ra đời các sáng tác giàu chất thơ, làm mê đắm những tâm hồn yêu nhạc, nhất là những người trót yêu, trót phải lòng không gian bàng bạc lãng đãng Hà thành.
Đến năm 59 tuổi, Phú Quang trở về Hà Nội và quyết định gắn bó những năm tháng cuối đời với vùng đất mà ông trót yêu. Ông sống tại một biệt thự ven Hồ Tây cùng với người vợ thứ ba, tiếp tục có nhiều cống hiến cho nghệ thuật.
Phú Quang là một trong 37 tác giả được Hội đồng Chuyên ngành cấp Nhà nước đưa vào danh sách xét tặng Giải thưởng Nhà nước (Giải thưởng Hồ Chí Minh) với chùm ca khúc về Hà Nội bao gồm: Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Chiều phủ Tây Hồ, Điều giản dị, khí nhạc: Solo Fute et orchestre (Tình yêu của biển).